Chính là học bị thiệt thòi, chính là học bị mắc lừa, bị thiệt thòi bị mắc lừa một cách rõ ràng minh bạch chứ tuyệt đối không phải ở trong mê hoặc.
Học Phật là học cái gì? Chính là học bị thiệt thòi, chính là học bị mắc lừa, bị thiệt thòi bị mắc lừa một cách rõ ràng minh bạch chứ tuyệt đối không phải ở trong mê hoặc. Bị thiệt thòi, bị mắc lừa một cách lơ mơ hồ đồ thì bạn thật sự là đã bị thiệt thòi, đã bị gạt rồi.
Bị thiệt thòi mắc lừa rất rõ ràng minh bạch thì bạn không bị thiệt thòi, bạn cũng không bị mắc lừa, vả lại còn nâng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, vậy thì làm gì có thiệt thòi, bị lừa chứ. Đạo lý này không thể không biết, không thể không học.
Sau khi học rồi thì bạn mới giống như Khổng Lão Phu Tử nói: “Học rồi thường luyện tập, chẳng phải vui lắm sao”, vui sướng vô cùng!
Bạn xem người thế gian bị thiệt thòi mắc lừa thì chau mày ủ rủ, còn Bồ-tát bị thiệt thòi mắc lừa thì lại hoan hỷ vô cùng, đều không như nhau.
Một người không hiểu được chân tướng sự thật, một người thì minh bạch rõ ràng, phàm Thánh không giống nhau là ở chỗ này. Đây là việc mà chúng ta không thể không hiểu, cho nên nhất định phải dùng tâm chân thành để đối với người.
Người ta có lừa gạt ta cũng được, đối đãi với ta như thế nào cũng được, chúng ta quyết không so đo tính toán, đó là học không chấp trước, không phân biệt. Việc không khởi tâm động niệm thì làm không được, đây là nói lời thực, việc này không làm được.
Chỉ cần có thể làm được không chấp trước, không phân biệt, bất luận sống chung với ai, bị thiệt thòi như thế nào đi nữa bạn đều rất tự tại rất an lạc.
Vì sao vậy? Thật sự nếu trong tâm có điều gì khó chịu thì hãy đọc mấy câu trong Kinh Kim Cang một lần: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Tất cả những gì có hình tướng, đều là hư vọng), “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện ưng tác như thị quán” (Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng; như sương, như điện chớp; nên quán sát như vậy). Đọc vài câu này thì tâm sẽ bình, không còn chấp trước nữa, tâm khai ý giải, vui sướng vô cùng.
Bị thiệt thòi, mắc lừa đều là nghiệp chướng của chính mình, nghiệp chướng đã tiêu trừ, nghiệp chướng tiêu rồi thì bạn nói xem vui biết bao, tâm được thanh tịnh, trí huệ tăng trưởng.
Cho nên nhất định phải dùng tâm chân thành, nhất định không thể có tâm oán hận, không được oán trời trách người, oán trách người khác là một lỗi lầm rất lớn.
Trích Từ: PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải – Tập 343
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ