Đạo Hiếu của Phật Giáo trước là thấu đến vô thủy, sau là đến tột cùng vị lai, không gì chẳng bao gồm trọn vẹn.
Ân cha mẹ dù trọn đời cũng không thể báo được. Hiếu là đạo lớn lao không gì ở ngoài nó được. Đại giáo của Như Lai lấy hiếu làm gốc. Bồ Tát thấy các chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ quá khứ, là Chư Phật trong vị lai.
Vì thế, Ngài Địa Tạng có lời nguyện: Độ hết chúng sanh mới chứng Bồ Đề, Địa Ngục chưa trống thề chẳng thành Phật.
Phạm Võng Giới Kinh coi hiếu thuận là pháp đạt đạo tột bậc, không những dạy phải hiếu thuận với Phụ Mẫu, Sư Tăng, Tam Bảo mà còn dạy đối với hết thảy chúng sanh phải sanh tâm từ bi, tâm hiếu thuận, dùng phương tiện cứu giúp, che chở, kiêng giết, phóng sanh, vì hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc của ta trong quá khứ.
Do vậy, nói: Đạo Hiếu của Phật Giáo trước là thấu đến vô thủy, sau là đến tột cùng vị lai, không gì chẳng bao gồm trọn vẹn.
Vì thế, Ngài Liên Trì nói: Cha mẹ được lìa trần cấu thì đạo của con mới thành tựu. Những kẻ cậy vào đạo hiếu chăm sóc phụng dưỡng trong đời này để bài báng Phật Pháp bất hiếu chính là chấp nhặt khư khư vào kiến giải ếch ngồi đáy giếng của chính mình cho nên mới đưa ra lời bàn luận mù quáng của kẻ chưa từng thấy được biển cả ấy.
Phận làm con cố nhiên phải tỏ bày đức của cha mẹ, biểu lộ bằng cách chú trọng nơi tận tụy thực hành, cho nên phải khắc kỷ giữ lễ, dứt lòng tà, giữ lòng thành, biết lỗi phải sửa, thấy điều nghĩa ắt làm, hiểu nhân biết quả, kiêng giết, phóng sanh, chớ làm các điều ác, vâng làm những điều lành, sanh tín phát nguyện Trì Danh Hiệu Phật, tự hành dạy người cùng sanh Tịnh Độ.
Làm được như thế, dù người ta chẳng biết đến đức của cha mẹ người ấy, nhưng do kính ngưỡng đức của người ấy cũng sẽ ngưỡng mộ đức của Tổ Tông, cha mẹ người ấy, cho là đã ngầm tu từ lâu cho nên mới có được người nối dõi như thế.
Nếu không, dù Tổ Tông, cha mẹ có đức tốt đẹp ai nấy đều biết, nhưng vì con cái bất tiếu, ắt người ta sẽ ngờ: Cha mẹ, Tổ Tông kẻ đó dẫu có đức cao đẹp, nhưng chắc là vẫn có chuyện ác ngấm ngầm. Nếu không, trong nhà đức hạnh tốt đẹp ấy sao lại nẩy sanh ra thứ con cháu bất tiếu như thế đó?
Do vậy, biết rằng: Lập thân, hành đạo chính là nêu tỏ đức của cha mẹ, Tổ Tông. Phận làm con phải chú trọng lòng kính, cẩn thận dè dặt, tận lực thực hành như thế nào để khỏi nhục lây người sanh ra mình, còn như những chuyện điếu văn, bài minh ca tụng của danh nhân đều là chuyện đằng ngọn. Đức của mẹ ông Khang có thể thấy đầy đủ qua điếu văn, qua những bài minh, cho nên tôi chẳng mất công nhắc lại.
Tôi chỉ muốn nói đến chuyện ông Khang do tâm hiếu thuận, khéo giữ gìn di thể của cha mẹ, chẳng để cho một lời nào, một hành vi nào, hoặc khởi tâm động niệm có chút nào trái nghịch chánh lý, đánh mất đạo hiếu.
Lời lẽ tuy tợ hồ chung chung không sâu sát, nhưng nó thật sự chính là đạo gốc chánh nguồn trong của cả Nho lẫn Thích. Nếu ông Khang và những người đọc cuốn sách này ai nấy đều càng thêm gắng sức thì thiên hạ, Quốc Gia may mắn lắm thay, chứ nào phải riêng mình Khang mẫu được vẻ vang.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của tác phẩm Khang Mẫu Vãng Sanh Ký Niệm San
Giảng Giải: Ấn Quang Đại Sư!