Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Chấp thủ là chướng ngại lớn nhất của sự giác ngộ

Tu đúng pháp con đường dẫn đến Niết bàn, nhưng bản tánh chấp thủ lại là những cản ngại lớn nhất của sự giác ngộ, của cuộc hành trình đi đến mục đích cao cả của đời người.

Có thể nói rằng, bằng những ví dụ cụ thể, dễ hiểu, thông qua hình ảnh con rắn, Đức Phật đã truyền tải được triết lý sâu xa về ý nghĩa của giáo lý thông suốt, thấu đáo của Ngài.

Có như không có

Triết lý của Đức Phật là một môn khoa học hoàn chỉnh có thể làm cho con người trở nên thích thú và say đắm như thể là tìm thấy được báu vật quý giá để có thể giúp cho mỗi người trở về với bản tánh thật sự, xa lìa chấp thủ “cái này có, cái kia không”, “cái này của mình, cái kia của mình”, hoặc “cái này không phải của mình cảm thấy khao khát nếu được là của mình”… Tất cả là nguyên nhân sâu xa của đau khổ, phiền muộn, là khởi nguồn để tạo tác bằng những hành vi sai trái, phạm pháp hòng chiếm đoạt những thứ vốn nằm ngoài khả năng nắm giữ của mình.

Đức Phật nói: “Kẻ vô văn phàm phu, không yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Xem sắc pháp, xem các cảm thọ, xem các tưởng, xem các hành, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tầm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, và bất cứ kiến xứ nào đều nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi; xem như vậy là cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.

Chính vì chấp thủ như vậy, cho rằng mọi thứ là thường hằng, là có thật, là tồn tại mãi mãi mà mọi người cứ cố níu kéo, cất giữ, giấu diếm bằng mọi giá. Sự chấp thủ là môi trường tốt để sự ganh ghét, lòng tham, nỗi đau khổ thường hằng có nơi dung túng mà phát triển. Chấp thủ không mang đến sự giải thoát, mà là cản ngại lớn lao, níu giữ tâm trí và hành động của chúng ta, làm cho đôi chân ta nặng nề không thể tiến về phía trước.

Không là có

Khác với kẻ vô văn phàm phu, Đức Phật nói về vị Thánh đệ tử: “Thái độ của vị Thánh đệ tử nghe nhiều thời khác hẳn, không những các vị này yết kiến, thuần thục, tu tập pháp các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, các vị này đối với 5 thủ uẩn là cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi; xem như vậy là cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Vị này do quan sát như vậy, đối với sự vật thấy không thật có, nên không có lo âu phiền não.

Rõ ràng là xét theo tâm tính của kẻ vô văn phàm phu, bởi vì chấp cái này có, cái kia có mà họ mất đi cái thật sự cần có là thoát khỏi sự phiền não; trong khi đó bậc Thánh nhân do nhận biết mọi thứ đều là không có nên họ có được sự an lạc, thanh nhàn. Cái hay trong triết lý Phật giáo có thể nói chính là sự huyền diệu vô minh “có mà không, không mà có”. Cái sự có lúc đầu đến có lúc sau tuy có vẻ như giống nhau nhưng thực chất đã có sự chuyển biến về lượng. Giống như một vòng tròn đồng tâm, sự trở về của vấn đề cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu bằng một đường tròn lớn hơn, tốt đẹp hơn.

Diệt trừ phiền não như thế nào?

Có người nghĩ như sau: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người ấy sầu muộn than van khóc lóc đi đến bất tỉnh.

Để cho phương thuốc hữu hiệu giúp con người diệt trừ phiền não, Thế Tôn đặt một số câu hỏi:

Các người có thể nắm giữ một vật sở hữu gì mà vật sở hữu được nắm giữ sẽ thường hằng, thường còn, thường trú, không chuyển biến không? – Thưa không!

Các người có thể thấy một vật sở hữu gì được nắm giữ và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú mãi mãi không? – Thưa không!

Thế Tôn xác nhận: “Thế Tôn cũng không thấy vật sở hữu nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, có thể trú như thế này mãi mãi”.

Các người có thể chấp thủ một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.

– Các người có thấy một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.

– Thế Tôn cũng không thấy ngã luận thủ nào, mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não.

– Các người có y chỉ kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.

– Các người có thấy kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không!

– Thế Tôn cũng không thấy kiến y nào mà kiến y được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não.

Nếu có ngã thời có ngã sở thuộc, nếu có ngã sở thuộc thời có ngã của tôi. Nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thời kiến xứ này: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng”, kiến xứ ấy có hoàn toàn ngu si không? – Kiến xứ ấy thực sự là triệt để ngu si.

Ví dụ Con Rắn là một bài kinh hay, và rất đặc biệt. Nội dung nói lên những nhận thức sâu sắc đối với những lời dạy của đức Phật, đối với các dục (kàma), đối với mục tiêu thuyết pháp của đức Bổn Sư về những tai hại do những chấp thủ nói trên đưa đến. Tiếp đến đức Phật trình bày sáu kiến xứ, chấp thủ năm thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta; chấp thủ tự ngã và thế giới là thường còn, thường hằng sau khi chết. Chính sự chấp thủ sáu kiến xứ này đem lại tái sinh đời này sang đời khác, kế cả những sầu bi lo âu phiền não trong đời sống hiện tại.

Tiếp tục, kinh này đề cập đến thuyết Vô ngã giúp đoạn trừ sáu kiến xứ, chứng đạt quả A-la-hán, Niết Bàn. Tiếp nữa, đức Phật đề cập đến vấn đề ngoại đạo xuyên tạc lời dạy Vô ngã của đức Phật là dạy hư vô chủ nghĩa. Đức Phật nói lên thái độ của Ngài đối với vấn đề khen chê. Cuối cùng đức Phật khuyên các đệ tử hãy từ bỏ những gì không phải là của mình. Tử bỏ như vậy sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho chính mình. Hãy hành trì theo lời thuyết pháp của đức Phật. Vì chính nhờ nghe theo lời thuyết pháp mà các đệ tử có khả năng chứng được Thánh quả tùy pháp hành, tùy tín hành, được sanh Thiên.

Quan điểm vô ngã của đức Phật

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời thật không hợp lý khi chánh quán năm thủ uẩn: “Cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”.

Bất cứ sắc pháp nào, thọ pháp nào, tưởng pháp nào, hành pháp nào, thức pháp nào, quá khứ tương lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các pháp ấy là “cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi”. Cần phải như thật quán với trí tuệ.

Nhờ quán vô ngã đưa đến giải thoát

Nhờ quán như vậy, thấy như vậy, vị Thanh văn nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán dối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát có trí khởi lên biết được “ta đã giải thoát”. Vị ấy biết “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa”.

Những đặc tánh của một vị đã giải thoát

1. Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã vất bỏ các chướng ngại, nghĩa là đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ, làm cho như cây tala bị chặt đầu, không thể tái sanh trong tương lai.

2. Tỳ kheo ấy được gọi là đã lấp đầy các thông hào tức là đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử.

3. Tỳ kheo ấy đã nhổ lên cột trụ, tức là đã đoạn trừ khát ái, đã cắt tận gốc rễ.

4. Tỳ kheo ấy đã mở tung các ổ khóa, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử…

5. Là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy, tức là đã đoạn trừ ngã mạn.

Thế Tôn bị xuyên tạc là chủ trương chủ nghĩa hư vô

Vì Thế Tôn thuyết một vị Tỳ kheo được giải thoát như vậy sẽ không một ai tìm được dấu vết. Ngài nói thêm: “Ta nói ngay ở hiện tại, một Như Lai không thể tìm thấy dấu vết”. Vì lúc thuyết giảng như vậy, một số ngoại đạo xuyên tạc Thế Tôn là chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt và sự tiêu diệt các hữu tình. Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc như vậy. Xưa cũng như nay, Thế Tôn nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Nếu có ai phỉ báng Như Lai, nhiếc mắng Như Lai, Thế Tôn không có sân hận. Nếu có ai tôn trọng cúng dường Như Lai, Thế Tôn không có hoan hỷ, không có thích thú. Thế Tôn chỉ suy nghĩ: “Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm Ta phải làm”. Do vậy, Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo chỗ có tức tối, sân hận nên bị người chỉ trích. Chỗ có hoan hỷ thích thú nên được người ta lễ bái cúng dường, các Tỳ kheo hãy suy nghĩ: “Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm ta phải làm”.

Lời Thế Tôn khuyên dạy

“Này các Tỳ kheo, cái gì không phải các người, các người hãy từ bỏ. Các người từ bỏ sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài. Sắc không phải của các người, hãy từ bỏ sắc. Thọ không phải của các người, hãy từ bỏ thọ. Tướng không phải của các người, hãy từ bỏ tường. Các hành không phải của các người, hãy từ bỏ hành. Thức không phải của các người, hãy từ bỏ thức. Các người từ bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài cho các người”.

Như trong rừng Jetavana này, nếu người thâu lượm cỏ, cây nhành, lá, đốt lên hay làm theo ý họ muốn. Các Tỳ kheo không nghĩ rằng người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta và làm với chúng ta tùy theo ý muốn. Vì sao vậy? Vì cỏ cây, nhành, lá không phải tự ngã, không phải sở thuộc của tự ngã. Cũng vậy, cái gì không phải của các người, hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc cho các người. Và cái gì không phải của các người? Chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Những lợi ích thiết thực của pháp đức Phật thuyết giảng

Vì pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng khéo khai thông, khéo khai thị, nên giúp các vị hành trì có thể chứng được bốn Thánh quả, là quả A-la-hán, quả Bất lai, quả Nhất lai, quả Dự lưu.

1. Các vị A-la-hán là những vị đã đoạn tận các lậu hoặc tu hành thành mãn, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống. Lý tưởng đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được giải thoát nhờ chánh trí, vòng luân chuyển của những vị này không thể chỉ bày.

2. Các vị Bất lai là những vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập diệt tại đây, không phải trở lui tại đời này nữa.

3. Các vị Nhất lai là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, chỉ đến đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

4. Các vị Dự lưu là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, không còn bị đọa lạc trong đường ác thú, quyết định hướng đến chánh quả.

5. Những Tỳ kheo nào là những vị Tùy pháp hành, Tùy tín hành, tất cả những vị ấy đều hướng đến Chánh giác.

6. Vì pháp được Thế Tôn khéo giảng, nên những vị nào chỉ đủ niềm tin nơi Thế Tôn, chỉ đủ lòng thương mến đối với Thế Tôn, tất cả những vị ấy được hướng về chư Thiên.

Tâm Hướng Phật/Th!

[pvfw-embed viewer_id=”4727″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]

Bài viết cùng chuyên mục

Những lời khai thị niệm Phật trọng yếu của chư Phật, Bồ Tát

Định Tuệ

Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ mười – Cư sĩ Tâm Minh dịch

Định Tuệ

Lời Phật dạy cho những người nóng tính, tức giận

Định Tuệ

Phẩm 3: Hai người dòng Phạm chí thụ pháp Bát quan trai – Kinh Hiền Ngu

Định Tuệ

Niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát một muôn biến

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Thọ học vô học nhơn ký thứ chín

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 39: Từ Thị thuật kiến

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười ba: Dặn dò cứu độ nhơn thiên

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 13: Thọ chúng vô lượng

Định Tuệ

Viết Bình Luận