Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Ác tâm chê dèm bậc Thánh nhân phải chịu thân hình xấu – Kinh Hiền Ngu

Đại Vương nên biết, người con gái ấy nay là Kim Cương, con của ông, lúc đó ác tâm chê dèm bậc Thánh nhân, cho nên từ kiếp ấy đến nay, sinh vào thế giới nào cũng phải chịu thân hình xấu ác.

Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.

Khi đó phu nhân của Vua Ba Tư Nặc là Mạt Lợi, sinh được cô con gái đặt tên là Ba Xà La, (Tàu dịch là Kim Cương). Tướng người rất xấu! Da sần sù hình như da ngựa, tóc tựa long đuôi ngựa, hình vóc không giống người, chẳng khác gì quỷ Dạ Xoa, thực là trên đời chưa từng có một người thứ hai như cô.

Nhà vua thấy Công chúa như vậy, lấy làm buồn giận! Nhưng, không biết làm thế nào phải giao cho một người nuôi riêng nơi nhà kín ngoài ra không dám cho ai biết.

Khi lớn tuổi nhà vua lại càng thêm khó nghĩ, chẳng lẽ nuôi con mãi, không lập gia đình, nếu gả chồng, thì sánh vào hạng người nào? Nhà vua và Hoàng hậu bàn nhau như vầy:

Vua nói: – Bây giờ Kim Cương đã lớn tuổi, bà tính sao, có gả chồng cho nó không?

Hoàng hậu nói: – Tậu Bệ hạ! Tôi nghĩ rất khó! Trong triều văn võ bách quan, ai là người lấy nó, nếu họ nhìn thấy nó họ cũng phải chết khiếp.

Vua nói: – Tôi tính như vầy: Bây giờ sẽ tìm cho nó một người dân thường, nhưng phải dòng quý phái và có học thức, bà nghĩ có được không?

– Vâng! Bệ hạ! Tôi cũng đang nghĩ như vậy!

Ngày mai nhà vua gọi quan Lại thần vào nói rằng:

– Ta có một chút việc riêng. Khanh vào các thôn quê tìm cho ta một người học trò nhà nghèo, chừng hai mươi tuổi, nhưng phải dòng quý phái mới được!

Quan Lại thần đáp:

– Dạ! Hạ thần xin tuân mạng!

Cách ít bữa sau, ông tìm được một thanh niên khôi ngô tuấn tú, ra vẻ bút nghiên kinh sử, và cũng đúng như lời vua dặn. Cậu con nhà quý phái, nhưng chỉ một nỗi nghèo. Chàng được thấy vua triệu vào cung trong dạ mừng thầm và cũng lo thầm! Chưa biết cát hung thế nào? Rồi cùng ông quan này lên đường về kinh.

Tới kinh, Lại thần nói:

– Anh hãy đứng đây để tôi vào tâu vua trước.

– Dạ! Xin đứng đây chờ Ngài.

Lại thần vào trước sân rồng quỳ xuống tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ hạ! Theo thánh chỉ hạ thần đã đi tìm được một thanh niên hiện đương ở ngoài cổng thành!

Nhà vua nói: – Trẫm cho phép, khanh đưa nó vào đây!

Lại thần bái tạ, trở ra đưa chàng vào cung.

Vua hỏi chàng: – Anh năm nay bao nhiêu tuổi?

Đáp: – Kính tâu Hoàng thượng! Con năm nay hai mươi tuổi!

– Học hành thế nào?

– Dạ! Con đương theo học khoa tú tài!

– Cha mẹ còn sống hay chết?

– Dạ! Cha chết đã lâu, còn mẹ già hàng ngày làm mướn cho con đi học!

Vua nói: – Hôm nay kêu ngươi vào đây, vì trẫm có người con gái hình thù xấu xa, trong triều không thể sánh duyên cùng ai được, nghe biết ngươi tuy nghèo, nhưng dòng hào tộc, vậy ta gả con ta cho, ngươi có ưng thuận không?

– Dạ! Muôn tâu Thánh thượng, nhà con có đầy phúc đức nên nay mới được Hoàng thượng ngó tới, thực là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” con xin tuân theo lời ngọc chỉ, không dám trái mạng. Tâu Thánh thượng! Con gái của Thánh thượng tuy xấu, nhưng dầu sao cũng là con của Thánh thượng, là khí huyết của Thánh thượng sinh ra, thực là phước đức cho con vô cùng vô tận, hôm nay nếu Thánh thượng có gả con chó cho con, thì con cũng không dám từ chối, nữa là được diễm phúc sánh hàng Phò mã.

Nhà vua nghe anh nói mỉm cười, rồi định ngày làm lễ đính hôn cho con gái.

Ngày lễ này nhà vua cũng giấu, không cho bá quan và nhân dân biết, chỉ trong hoàng cung làm lễ sơ sơ. Sau cuộc này nhà vua cho hai vợ chồng chàng rể ở riêng một tư thất nơi hậu viên bảy lần cửa khóa cây cối âm u, có vẻ kín đáo. Vua dặn riêng chàng: Luôn luôn để vợ trong cung cấm, nếu có đi đâu phải khóa cửa, và một điều ngặt nhất chớ cho ai ngó thấy, vì lỡ để thiên hạ chê cười!

Từ đó anh học trò nghèo vinh hạnh được nhà vua thâu nạp làm Phò mã, vinh hoa nhất mực lộc nước phấn vua, thoát khỏi nỗi cơ hàn bần khổ nơi hương thôn hủ tục, được dự với những hàng quan liêu trong triều chính, chẳng khác gì đại long thoát khỏi chốn ao tù ra nơi biển cả, phượng hoàng sổ cánh bay bổng chốn mây xanh.

Gặp thời buổi thanh bình bốn phương an lạc, nơi kinh thành những thú vui dồn dập. Khi ấy các quan triều và các nhà quý phái, kết hội với nhau, hàng tháng có những ngày họp mặt, để thưởng thức những thú vui! Ông Phò mã này cũng vào một chân. Khi tới hội ai cũng đem theo vợ, nhưng riêng ông Phò mã chỉ đi có một mình, nên một số người tò mò thắc mắc, tự nói với nhau rằng:

– Ông Phò mã này kỳ nào cũng đi một mình, không thấy vợ đi! Một là vợ đẹp, hai là vợ ông xấu, hôm nay chúng ta tìm cách để xem vợ hắn vì lý do gì mà không tới hội.

Mọi người đều thuận lời bàn ấy, hôm đó họ mời ông Phò mã uống rượu rất say, xong cuộc ăn uống, Phò mã bị say ngủ bất tỉnh, họ cởi trộm lấy chìa khóa rồi sai năm người tới nhà xem cô vợ của ông ra sao?

Giữa lúc Phò mã đi dự hội, cô Kim Cương một mình ngồi trong nhà, thơ thẩn buồn bực tự than rằng:

– Không biết kiếp trước ta tạo tội gì, kiếp này bị thân hình xấu ác, suốt tháng quanh năm vua cha giam giữ trong nhà kín, không nhìn ngó thấy bóng mặt trời mặt trăng cho đến một ai, là thân người không khác gì loài chim lồng cá chậu, thực là khổ quá không biết bày tỏ cùng ai!

Cô lại nghĩ như vậy:

– Hiện nay đức Phật ra đời cứu giúp quần sinh muôn loại, rất nhiều người được hàm ân thoát khổ, ta cũng không được tới nơi Ngài mà chiêm ngưỡng, để cầu Ngài cứu khổ ban vui!

Nói rồi cô lấy hương đốt, hướng về núi Linh Sơn nơi đức Phật ngự, một mình chí thành đảnh lễ khấn rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Mở lượng từ bi thương xót đến con, tới đây để con được cúng dàng, và giáo hóa cho con.

Vì lòng thành kính thiết tha cầu nguyện của cô, nên đức Phật dùng thần túc hiện bay đến chỗ cô ở, đầu tiên Ngài cho cô nhìn thấy tóc của Ngài xanh, nhỏ mềm, có ánh quang minh.

Cô quỳ xuống lễ lạy vui mừng! Nên bộ tóc đuôi ngựa của cô tư nhiên biến thành tóc xanh nhỏ mướt. Lần thứ hai Ngài cho cô nhìn thấy dung nhan như vầng mặt trăng đêm rằm, tươi đẹp siêu phàm. Thấy thế, cô vui mừng! Một lòng tha thiết lễ kính. Vì thế bộ diện sù xì của cô đã biến thành cô gái tiên nga, mắt sáng tựa sao, mồm tươi hoa nở.

Lần thứ ba Ngài hiện toàn thân cho cô chiêm ngưỡng, thân tướng của Ngài như quả núi vàng, làm sáng rực cả căn nhà của cô. Cô sung sướng quá! Lễ kính dưới chân, ăn năn hối lỗi! Vì thế nên những tướng xấu da thô, được tiêu tan, thân cô tự nhiên đoan chính, tươi đẹp siêu nhân.

Tới đây đức Thế Tôn thuyết pháp cho cô nghe. Những điều kiêu mạn sân si nên bỏ, lòng từ bi khiêm nhượng nên tu.

Cô nghe lời giáo hóa, như người được uống nước cam lồ, vội vàng thụp lạy xin thọ giáo. Cũng do lòng thành phát khởi, nên những nghiệp ác của cô đã tạo từ đời quá khứ được tiêu tan, ngay giờ phút ấy tự nhiên trí óc sáng tỏ, chứng được quả Tu Đà Hoàn.

Đức Phật nhận thấy cô đã thoát nghiệp, và chứng quả nên Ngài ẩn hình biến về Linh Sơn.

Đoạn này nói đến năm người, vừa lúc đức Phật ra về thì họ mở cửa bước vào. Nhìn thấy cô họ thưa rằng:

– Thưa cô! Xin lỗi cô, có phải cô là vợ Phò Mã không?

– Thưa phải, các ông tới đây có việc gì?

– Thưa, chúng tôi tới đây có chút việc tư, muốn gặp Phò Mã!

– Hôm nay Phò Mã đi chơi!

Năm người xin cáo lui, ra đường, họ nói cùng nhau rằng:

– Quả nhiên vợ anh đẹp nên anh không mang đi đấy thôi.

Trở về họ trả lại chìa khóa cho Phò Mã. Sau đó Phò Mã tỉnh rượu về nhà nhìn không thấy vợ, chỉ thấy cô gái đẹp!

Ông hỏi:

– Xin lỗi cô tới đây có việc gì?

– Thưa ông tôi là bạn của Kim Cương đây!

– Thưa! Kim Cương đi đâu cô biết không à?

Cô phì cười thưa rằng:

– Đố anh tìm thấy Kim Cương đấy?

Phồ Mã còn đương hoang mang, cô nói tiếp:

– Em chính là Kim Cương, không phải ai đâu? Anh đừng có lạ! Hôm nay em buồn vì sự xấu xa của em nên em đốt hương cầu nguyện đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ tâm cứu tế, Ngài tới đây em được lễ kính nên những tội ác nhiều đời của em được tiêu tan, biến thân gái xấu, đổi thành đẹp, nên anh không nhận được, có phải ai đâu, cửa anh khóa còn ai vào được. Bây giờ anh đến tâu Phụ Vương và Mẫu Hậu để em lên yết kiến.

Phò Mã vui quá! Biết đích là vợ mình, vội lên vương cung tâu vua rằng:

– Tâu Phụ Vương, Kim Cương muốn lên để yết kiến Phụ Vương!

Đáp: – Thôi! Ta bận việc anh cẩn thận, chớ cho nó đi đâu để khi nào ta đến thăm!

Phò Mã tâu: – Tâu Phụ Vương! Kim Cương hôm nay được nhờ công đức Phật biến thân gái xấu đổi thành đoan chính tươi đẹp, giờ đây Phụ Vương có nhìn cũng không nhận được!

Vua nói: – Thế à! Quả như vậy thì anh về mau đem nó lại ta xem.

Phò Mã tất tưởi về đưa vợ lên yết kiến vua và Hoàng hậu, nhìn thấy Kim Cương tươi đẹp khác xưa trong tâm vui vẻ nói:

– Nam mô Phật! Đức Phật xuất thế làm lợi ích cho muôn loài chúnh sinh, con ta hôm nay được Ngài giải thoát tội lỗi, lại được đổi xấu thành đẹp, thực là phúc đức vô lượng! Biết lấy gì đền đáp được Ngài.

Sớm ngày mai nhà vua sửa soan lễ vật, rồi cùng đi yết kiến Phật, tới nơi mọi người đều lễ Phật rồi lui về một bên, vua Ba Tư Nặc bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Chẳng hay đứa con gái của con đời quá khứ làm phước gì, nay được sinh vào nhà tôn quý, và không rõ tạo tội gì, phải chịu thân gái xấu, da tóc thô kịch hình như súc sinh, kính xin Ngài chỉ bảo cho chúng con được biết nguyên do?

Phật nói: – Ông muốn biết tội căn và phước bào của Kim Cương tôi sẽ nói ông hay. Người ta ở trên đời đẹp tốt hay xấu xa cũng do nghiệp hành đời trước, tội hay phước cũng do báo ứng của trần thế.

Thuở đời quá khứ đã lâu lắm, bấy giờ có một nước lớn tên là Ba La Nại, nước ấy có ông Trưởng giả giàu có vô chừng, ông biết tôn kính ngôi Tam Bảo cúng dàng chư Tăng. Ông phát nguyện xin suốt đời cúng dàng một vị Bích Chi Phật, vị ấy thân thể thô kịch hình dáng nhem nhuốc xấu xa, ông có cô con gái còn nhỏ tuổi, khi thấy vị Bích Chi Phật lại nhà, thì sinh lòng khinh mạn rồi nói: Ông này thân thể thô kịch xấu xa, da dẻ sần sù, ghê tớm lắm như vậy. Song Ngài vẫn làm thinh, và thường thường đến nhận các món cúng dàng của ông trưởng giả.

Vị Bích Chi Phật khi sắp tịch diệt vào Niết Bàn, muốn để những người tin theo ngôi Tam Bảo phát khởi lòng tu cho bền chắc, cho tinh tiến; nên Ngài bay lên hư không để hiện các phép thần thông; trên mình Ngài phun ra lửa, dưới phun ra nước, đầy cả hư không rồi hiện bên Đông, lặn bên Tây, hiện bên Nam, lặn bên Bắc; hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc đi, hoặc đứng, trên hư không. Khiến cho cả nhà ông Tưởng giả coi thấy phép thần biến, rồi từ trên hư không bước xuống đi vào nhà ông Trưởng giả. Ông rất vui mừng và thận trọng kính mến. Người con gái nhỏ lúc đó tự biết mình có tội nói xấu Ngài, kiếp sau quyết bị quả báo, sợ hãi ăn năn, tới trước chắp tay quỳ thẳng thưa với Ngài rằng: “Muôn xin Tôn giả tha thứ, trước đây con không biết Ngài là bậc Thánh, đem lòng khinh mạn, ác tâm nói xấu tội con quá nặng, kính xin Tôn giả xá tội và chớ để tâm”. Vị Bích Chi Phật cũng thể lòng từ bi cho cô sám hối.

Đại Vương nên biết, người con gái ấy nay là Kim Cương, con của ông, lúc đó ác tâm chê dèm bậc Thánh nhân, cho nên từ kiếp ấy đến nay, sinh vào thế giới nào cũng phải chịu thân hình xấu ác, vì biết hối lỗi, nên nay mới được đoan chính tốt tươi, anh tài vượt chúng, cũng do sự cúng dàng vị Bích Chi Phật nên đời đời thường được sinh vào nhà tôn quý hưởng sự giàu sang sung sướng, và cũng do nhân duyên này mà được giải thoát, như thế đó. Đại Vương! Tất cả chúng sinh phải nên gìn giữ thân, miệng, ý cho cẩn thận chớ nên càn dỡ khinh người chê bai mắng chửi, sau chịu quả báo đau khổ khó mà thoát khỏi.

Bấy giờ vua Ba Tư Nặc và quần thần cùng tất cả đại chúng, nghe Phật nói căn do quả báo của Kim Cương như vậy, ai nấy đều sợ hãi, và phát tâm tin kính, tụ cảm thấy trước Phật, nhân sự tín tâm, nên có người chứng sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm bình đẳng vô thượng và cũng có người trụ ngôi bất thoái, ai nấy đều khát ngưỡng lời giáo hóa của Phật, vui vẻ tuân theo cúi đầu tạ lễ lui ra.

Trích: Phẩm thứ tám: Cô Kim Cương: Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh – Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 13: Thọ chúng vô lượng

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 47: Phước huệ thỉ văn

Định Tuệ

Những lời Phật dạy về cách thoát khỏi kiếp nghèo để trở nên giàu có

Định Tuệ

12 đại nguyện của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai

Định Tuệ

Phẩm thứ mười hai: Sàn Đề Bà La – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 28: Phẩm Thập Thông thứ hai mươi tám

Định Tuệ

Phẩm thứ 46: Tịnh Cư Thiên – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 38: Lễ Phật hiện quang

Định Tuệ

12 loại chúng sinh: Thế nào gọi là điên đảo về chúng sinh?

Định Tuệ