Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Sự linh ứng nhiệm màu của thần chú Đại Bi

Sự linh nghiệm của thần chú Đại Bi đã được nhiều người chứng thực và cũng được chia sẻ. Mời quý bạn cùng đọc những câu chuyện được tổng hợp dưới đây.

1. Trì chú khỏi bệnh kinh phong

Sự linh nghiệm của thần chú Đại bi đã được nhiều người chứng thực và cũng được chia sẻ. Câu chuyện mà tôi kể sau đây là do nghệ sĩ Diệu Hiền kể trên YouTube trong chương trình “Giữ ngọc gìn vàng với Hồng Loan”.

Nghệ sĩ Diệu Hiền kể rằng, cô có một người cháu gái bị bịnh kinh phong từ nhỏ, hiện cũng đang ở chung với cô. Người cháu gái ấy tính tình rất cộc cằn, ai rớ tới là chửi “tàn gia tru lục”, không ai dám làm gì cô ấy hết. Một hôm Diệu Hiền mới bảo người cháu ấy rằng: “Cô đi chùa thấy người ta đọc kinh cũng vui lắm. Nếu con chịu học thuộc thì cô cho tiền uống cà-phê”. Người cháu gái có cái tật ghiền cà-phê nên nghe vậy đồng ý liền. Cứ một bài chú ngắn thì cô Diệu Hiền trả cho hai chục ngàn đồng, bài dài hơn thì ba chục, dài hơn nữa thì bốn chục. Một thời gian sau, cô Diệu Hiền bảo người cháu ấy học chú Đại bi, nói rằng nếu thuộc được thì trả cho một trăm ngàn đồng.

Thế nhưng lúc người cháu ấy vừa cầm quyển kinh lên đọc được vài câu thì cơn động kinh liền đến, giựt cô té từ trên ghế xuống đất. Khi cơn động kinh qua, người cháu ấy liền tức giận, cầm quyển kinh ném vào mặt cô Diệu Hiền mà mắng rằng: “Hồi đó chưa đi chùa thì hổng có nói láo. Bây giờ đi chùa bày đặt bắt chước ai nói láo rồi về gạt gẫm con cháu nữa là sao? Người ta lúc trước bị giựt cũng ít ít thôi. Bảo là đọc cái này sẽ hết bị giựt. Vậy mà mới đọc có mấy câu mà giựt một cái muốn chết luôn hà. Dẹp, từ rày sắp tới đừng có nói với tui ba cái vụ kinh này nữa nhe. Dẹp nhe! Tui yêu cầu đừng nói với tui vụ này nữa à”.

Thế nhưng chiều hôm đó, sau giấc ngủ trưa, người cháu gái ấy đến bên cô Diệu Hiền hỏi rằng: “Bây giờ tui nói cái này nhưng yêu cầu đừng có nói dối, nói thiệt tui nghe đi. Là cái người mà đàn ông không phải đàn ông, đàn bà không phải đàn bà, mà tóc dài đó là ai vậy?”. Cô Diệu Hiền nghe vậy mới hỏi người cháu đã gặp người đó ở đâu. Người cháu nói là cô ngủ thì thấy người đó đến và gõ gõ vào đầu cô ta. Cô Diệu Hiền mới giải thích rằng đó là Đại sĩ Quán Thế Âm đến để kêu con cố gắng học kinh đó. Người cháu nghe vậy không trả lời nhưng âm thầm học thuộc chú Đại bi và trì tụng mỗi ngày.

Thế là điều kỳ diệu đã xảy ra. Trước đây người cháu bị giựt một ngày đến sáu lần. Từ khi trì chú Đại bi thì giảm xuống còn năm lần một ngày. Từ đó về sau, cứ sau một tuần là giảm xuống một lần cho đến chỉ còn một lần một ngày. Rồi một tháng mới giựt một lần, rồi ba tháng mới giựt một lần, và cuối cùng thì hoàn toàn không còn bị giựt nữa.

Một hôm người cháu gái ấy đến bên cô Diệu Hiền, ôm chân cô nói: “Cô Hiền, con xin lỗi cô. Kể từ nay trở đi để con tự động học kinh. Cô Hiền khỏi mướn con nữa. Con xin lỗi cô Hiền, con không dám nói hỗn với cô nữa, cô đừng giận con nhe!”. Và cũng từ đó người cháu đổi tính hoàn toàn, không còn cộc cằn nữa mà trở nên hiền khô, ngoài ra còn chăm chỉ làm việc nhà như lau nhà, rửa chén một cách vui vẻ. Đặc biệt hơn nữa là cô bắt đầu ăn chay trường và đi chùa. Cô đến chùa gần đó tụng kinh mỗi chiều. Còn khi ở nhà thì cô đi kinh hành và niệm Phật. Cô còn thuộc cả năm đệ chú Lăng nghiêm nữa. Chú Đại bi thật là vi diệu!

Hữu Huệ!

2. Trì chú Đại bi thoát tà thuật

Vấn đề tâm linh mầu nhiệm vốn khó có thể giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, đó là những hiện tượng có thật trong đời sống. Có điều chúng ta cần thận trọng, nếu dễ dãi chấp nhận, thiếu cân nhắc, xem xét thật hư sẽ rơi vào tà kiến mê tín dị đoan; còn nếu phủ nhận, chối bỏ hết cũng sẽ rơi vào tà kiến cực đoan, thiên chấp.

Không phải điều gì không thể giải thích, điều gì chúng ta chưa kinh nghiệm thì chúng không có thật. Như tiến trình nhân-duyên-quả, hay quả dị thục của nghiệp (quả báo chín muồi của nghiệp) chẳng hạn, vốn không thể nghĩ bàn với phàm tình. Thế giới duyên sinh, nhân quả vô cùng phức tạp mà nhận thức, hiểu biết của con người thì rất giới hạn, vì thế đừng vội vàng kết luận với bất cứ điều gì.

Hơn 20 năm trước, mẹ tôi bị chứng đau bụng không rõ nguyên nhân. Bà đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều bảo không phát hiện bệnh lý gì. Tuy nhiên cơn đau bụng vật vã cứ diễn ra thường xuyên. Mỗi khi đau, mẹ tôi ôm bụng kêu la quằn quại, nước mắt tuôn trào.

Người bác thứ năm của tôi vốn là một nhà sư xuất gia đi tu từ nhỏ. Ông thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng thần chú Đại bi. Bác tôi khuyên mẹ nên chuyên tâm niệm Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi để giải trừ bệnh khổ. Mẹ tôi nghe lời nên đêm nào cũng thắp hương lễ Phật, Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi, chỉ tụng thôi không chuông mõ gì cả.

Trì tụng được một thời gian, một hôm bỗng mẹ đau bụng kịch liệt. Cơn đau lần này khiến mẹ tôi kêu la lăn lộn trên giường. Rồi bà ói ra một lọn tóc rối bằng ngón tay cái. Nhìn lọn tóc từ đâu trong bụng ói ra, bà thất thần kinh dị. Nhưng ngay sau đó và mãi về sau bụng bà không còn đau nữa. Mẹ tôi đem chuyện này thuật lại cho thầy (bác tôi) nghe, thì ông bảo: Có thể mẹ tôi bị người ta thư ếm. Quả thật lúc đó gia đình tôi có hiềm khích với hàng xóm do mâu thuẫn trong công việc làm ăn. Người này đã nhiều lần dùng lời thô lỗ và ác độc xúc phạm mẹ tôi, còn hăm dọa đủ điều.

Kể từ đó mẹ tôi tăng thêm niềm tin vào sự vi diệu của Chánh pháp, tối nào bà cũng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng chú Đại bi. Con tôi khi mới ba bốn tuổi đã thuộc lòng chú Đại bi và kinh Vu lan báo hiếu nhờ nghe mẹ tôi mở máy phát kinh mỗi ngày.

Từ xa xưa người ta đã nói đến các loại thần chú và uy lực của nó do tu luyện mà có, và nhiều người đã từng trải qua, từng kinh nghiệm, cho nên đây chẳng phải là những chuyện hoang đường. Ở đây chỉ có niềm tin và sự thực nghiệm chứ không thể nào giải thích. Tuy nhiên có thể dựa vào câu kinh “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (kinh Phật Di giáo) để hiểu những điều này.

Ngoài kinh điển Phật giáo Phát triển, kinh điển Nguyên thủy (tạng Pàli) cũng có đề cập đến thần chú mặc dù không nhiều. Ví dụ trong Tiểu phẩm (Cullavagga) của Luật tạng Pàli hoặc Chuyện Tiền thân Khandha Vatta, kinh số 203 thuộc Tiểu bộ (Khuddaka Nikàya).

Khi trì niệm, tu tập các thần chú này, hành giả đạt nhất tâm chánh niệm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, phát triển đại bi tâm, tâm hành giả tương ưng với hạnh nguyện chư Phật nên tăng trưởng công đức, phước báo, nhờ đó dễ dàng thành tựu tâm nguyện. Tôi nghĩ chuyện mẹ tôi nhờ dốc hết tâm thành trì niệm thần chú Đại bi mà thoát khỏi tà thuật là một trong vô số trường hợp minh chứng cho vấn đề tâm linh mầu nhiệm.

Minh Hạnh Đức!

3. Trì chú Đại Bi hóa giải bệnh tật

Tôi là Phật tử, đã trường chay hơn 40 năm. Tôi tin vào Đức Quán Thế Âm, hàng ngày niệm danh hiệu Ngài và trì tụng chú Đại bi, tin vào sự linh ứng của thần chú.

Cách đây 5 năm, đứa cháu gái kêu tôi bằng dì bỗng nhiên bị chứng bệnh lạ. Nó không thể nuốt cơm hay bất cứ thức ăn gì. Mỗi lần nuốt, nó thường bị nghẽn thở, mặt tái xanh và phải đưa đi cấp cứu. Gia đình đã đưa cháu đi khám từ bệnh viện tỉnh rồi tới bệnh viện ở Sài Gòn. Mỗi bệnh viện, bác sĩ định bệnh một cách nhưng tựu trung cháu vẫn không nuốt được. Trải qua bốn tháng, cháu chỉ còn 29kg. Mỗi ngày phải nhờ bác sĩ tới nhà truyền dịch, truyền đạm và đưa thức ăn qua ống. Tôi vốn tin Phật nên nói với gia đình cầu nguyện cho cháu. Thời gian đầu, có lẽ mọi người không đủ lòng tin, họ cũng cầu nguyện nhưng bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm. Tất cả những bệnh viện nổi tiếng của Sài Gòn đều không tìm ra bệnh. Có lần, một bác sĩ đã hỏi: “Cô có tin trời Phật không?”. Đứa cháu trả lời: “Dạ có”. Bác sĩ lại nói: “Vậy cô về cầu nguyện đi. Cô không có bệnh”.

Thương cháu và dù biết cả nhà chưa đủ lòng tin, tôi vẫn làm theo cách của mình. Mỗi ngày, tôi trì chú Đại bi hai lần sáng chiều mỗi lần khoảng một giờ. Tôi cầu nguyện chân thành, đọc chú cẩn trọng và hồi hướng công đức cho cháu. Một tháng rồi hai tháng trôi qua, người nhà đi coi bói, thầy bói nói còn một tháng nữa là cháu chết. Tôi vẫn hết lòng cầu nguyện… Một chiều, tôi vừa cầu nguyện xong thì viết hai lá thăm – Qua khỏi và Không qua khỏi. Tôi kính lạy và niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Tôi khấn: “Xin Mẹ cho con biết đứa cháu có qua khỏi hay không? Con xin Mẹ chỉ dạy!”. Tôi cúi lạy ba lạy rồi bốc lấy một lá. Tất cả đều trong tay của Mẹ mà! Lá thăm bốc được có hai chữ “Qua khỏi”. Tôi mừng rơi nước mắt vội đến nhà cho má cháu hay. Lúc này, cháu đang cùng với chồng tái khám ở một bệnh viện tại Sài Gòn.

Chiều ngày sau, tôi nghe cháu gọi: “Năm ơi! Chắc con chết! Bác sĩ kêu con về, nói con không có bệnh”. Tôi lật đật thắp nhang và khấn: “Cầu Mẹ phù hộ cho cháu, tất cả đều trong tay Mẹ mà!”. Cách tuần sau vợ chồng cháu về, trông bộ dạng nó có vẻ khá hơn. Ăn được chén cháo, uống thuốc xong rồi cháu lăn ra ngủ. Chồng cháu kể lại, “Lúc gọi cho Năm thì hai vợ chồng cháu đang ngồi trong taxi định ra bến xe để về. Người tài xế nghe vợ cháu khóc, nói chắc chết nên hỏi thăm và đưa vợ chồng cháu tới một bác sĩ thần kinh. Bác sĩ khám và cho hai tuần thuốc với giá rất bình dân. Uống thuốc mấy ngày sau vợ cháu thấy bớt và sức khỏe đã ổn định tới giờ”.

Đành rằng, cháu tôi có duyên gặp đúng thầy đúng thuốc. Vị bác sĩ ấy đã cứu cháu tôi. Nhưng tự trong lòng, tôi tin nhờ sự cầu nguyện chân thành và nhất tâm trì chú nên cháu tôi mới hội đủ duyên lành để được cứu chữa. Đức Phật và Bồ-tát không nhất thiết hiện ra để cứu độ chúng sanh, nhưng các Ngài có thể trợ duyên bằng cách cho người tài xế taxi chỉ dẫn. Kể lại chuyện này chỉ mong đem chút lòng tin, trao truyền khắp cả.

Ngọc Thuận – Trầm Thị Sương!

4. Trì chú Ðại bi được như nguyện

Khi con gái tôi đã có ba con, tôi khuyên nó không nên sinh nữa để giữ sức khỏe và dạy dỗ các con cho tốt. Một ngày kia con gái tôi mặt buồn, đôi mắt ướt than thở:

– Mẹ ơi con khổ quá, đặt vòng tránh thai không hợp nên con đã chuyển sang uống thuốc ngừa thai nhưng bây giờ con lại có thai. Bác sĩ khuyên nên bỏ thai vì sợ sinh con dị tật hay có tâm trí không bình thường.

Tôi tái mặt hỏi tại sao thì con gái nói mỗi ngày vẫn uống thuốc đều đặn nhưng có ba ngày, lu bu lo cho con, quên uống thuốc. Sau đó nó uống đều đặn lại nhưng bị vỡ kế hoạch. Con gái tôi muốn chắc hơn nên đến bác sĩ khác khám và cũng nhận được lời khuyên tương tự.

Tôi suy nghĩ dứt khoát, là Phật tử không thể hủy hoại bào thai được. Tôi nói với con gái là cứ giữ thai lại và cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm cứu giúp.

Riêng tôi thì khuya hôm sau quỳ trước bàn thờ Phật khấn nguyện mười phương chư Phật, Bồ tát Quán Thế Âm xin các Ngài thương xót đứa bé đang tượng hình kia sẽ được khỏe mạnh, không bị dị tật. Tôi khấn nguyện thiết tha:

– Cầu nguyện mười phương chư Phật, Đức Bồ tát Đại từ Đại bi Quán Thế Âm thương xót con của con tên là Mỹ Hạnh, giúp cho nó vượt qua nỗi khổ này. Hiện con gái của con nghe lời con giữ đứa bé lại, lỡ bé bị dị tật thì con không biết làm sao ăn nói với con gái con. Con xin trì chú Đại bi, tụng kinh Phổ môn khẩn nguyện cho đứa bé được bình an lành lặn, không bị dị tật… Xin Mẹ Quán Âm… gia hộ cho con.

Sau đó hàng đêm tôi đều tụng kinh, đảnh lễ chư Phật, trì chú, tôi quán tưởng thấy Mẹ Quán Âm cầm cành dương liễu rưới nước cam lồ vào đứa bé đang nằm trong bụng mà nước mắt tôi chảy dài…

Khi thai được sáu tháng, con gái tôi đi siêu âm bốn chiều, bác sĩ báo thai nhi phát triển bình thường…

Tôi đến chùa cầu nguyện cho đứa bé, quỳ trước Bồ tát Quán Thế Âm khẩn nguyện thiết tha, làm từ thiện hồi hướng cho con gái và cháu của tôi.

Đến ngày sinh, con gái tôi được đứa em gái đưa đến bệnh viện phụ sản (chồng nó đi công tác), tôi ở nhà giữ ba đứa con của nó mà lòng như thiêu như đốt. Tôi khấn nguyện cho con tôi sinh nở được bình an, cháu bé được khỏe mạnh. Đến trưa thì em gái nó gọi về báo đã sinh được một bé trai nặng 3,8 ký, hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Tôi như trút được ngàn cân đeo nơi mình suốt chín tháng nay, tôi quỳ trước bàn thờ Phật tạ ơn mà nước mắt chảy dài.

Khi tôi đến bệnh viện thăm, con gái tôi ôm cháu bé trong tay thầm thì ru cháu: Nam-mô Quán Thế Âm Bồ tát, Nam-mô Quán Thế Âm Bồ tát. Điều vui mừng nữa đến với tôi là cháu bé sinh đúng ngày vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát (ngày 16-3 ÂL).

Hiện giờ bé đã được gần ba tuổi rất khỏe mạnh, ngoan hiền. Mỗi lần nó nhõng nhẽo, tôi nói: Con là con của Phật, con của Mẹ Quán Âm, con không được khóc, nhõng nhẽo cãi lời, ngoại buồn lắm, thì nó im lặng.

Khi các cháu đến nhà thăm ông bà ngoại, tôi hỏi: Pháp danh các con là gì? Cháu trai lớn chín tuổi: dạ Hoằng Cách; cháu gái bảy tuổi: dạ Thanh Nhi; cháu trai năm tuổi: dạ Hoằng Ấn; cháu trai ba tuổi: dạ Hoằng Tánh.

Tự nhiên tôi cảm thấy vui làm sao! Con xin đảnh lễ tạ ơn chư Phật, Đức Bồ tát Quán Thế Âm, con thành kính tri ân Sư ông, cảm tạ thầy trụ trì đã giúp các cháu của con được gieo duyên với Phật.

Nga Ngọc!

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Những việc tuy nhỏ nhặt nhưng làm hao tổn phước cần lưu ý

Định Tuệ

Muốn thay đổi vận mệnh, hãy sửa lại cách nói chuyện của mình

Định Tuệ

Vật ngoài thân càng nhiều, gánh nặng của bạn càng nặng

Định Tuệ

Nhờ niệm Phật cuối cùng mẹ tôi cũng khỏi bệnh

Định Tuệ

Thập nhị nhân duyên là gì? Ý nghĩa và nội dung của 12 nhân duyên

Định Tuệ

Tu hành là tu sữa hành vi, lời nói, ý nghĩ của chính mình

Định Tuệ

Đạo giáo của Như Lai lấy hiếu làm gốc

Định Tuệ

Thiệt thòi là phước, chiếm được lợi ích là tai họa

Định Tuệ

7 lời khấn nguyện vào mỗi sớm mai hay và ý nghĩa

Định Tuệ