Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Sắc dục là gì, tham sắc dục tạo nghiệp gì? Sự nguy hiểm của tâm sắc dục

Sắc dục là gì? Sắc dục nghĩa là ham muốn sắc đẹp. Sắc dục thường mang hàm ý tiêu cực, chỉ sự ham muốn mê muội trước cái đẹp, khiến người ta sanh tâm muốn sở hữu mà bất chấp luân thường đạo lý, cốt để chiếm hữu cho riêng mình.

1. Sắc Dục là gì?

Sắc Dục là gì? “Sắc” nghĩa ở đây là sắc đẹp, “Dục” nghĩa là ham muốn. Sắc Dục nghĩa là ham muốn sắc đẹp. Sắc Dục thường mang hàm ý tiêu cực, chỉ sự ham muốn mê muội trước cái đẹp, khiến người ta sanh tâm muốn sở hữu mà bất chấp luân thường đạo lý, cốt để chiếm hữu cho riêng mình.

Ưa đẹp ghét xấu là căn bản của loài người. Cho nên, từ đứa bé lên ba đến ông già tám mươi, không ai không ham thích sắc đẹp. Hễ nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp ắt nam nữ tâm ai nấy đều rộn ràng: Nam thì ham thích mà dâm tâm sanh khởi, muốn chiếm hữu riêng mình; nữ thì ưa thích mà sanh tâm ganh tị, ác niệm theo đó khởi như sóng cuộn ở trong tâm. Sắc dục khiến chúng sanh điên đảo, si mê, không thể giải thoát, nên gọi là xiềng xích của đời người.

Ai cũng ham mê sắc dục mà chẳng biết rằng: Trong chữ “Sắc”(色.) luôn có chữ “Dao” (刀) ở trên đầu. Người Trung Hoa sáng tạo nên chữ viết đã hàm ý về sự ẩn mật nhưng tột cùng nguy hiểm của chữ “Sắc” như thế đó!

Thời @ này mà khuyên người ta kiêng dè Sắc Dục, thật là chuyện khó hơn lên trời. Một vị đã khai mở đạo nhãn bảo tôi: Cổ nhân dạy: “Vạn Ác Dâm Vi Thủ”, nghĩa là tội tà dâm đứng đầu muôn tội. Hễ bộp chộp phạm vào không ai không phải chịu ác báo. Người thế gian tự khen mình khéo, lén lút làm chuyện tà dâm mà chẳng ai hay. Lại lầm tưởng rằng việc tà vạy mình làm chẳng ảnh hưởng chi đến ai nên không có tội.

Chẳng biết rằng: Không phân biệt già trẻ, gái trai, hễ phạm đều bị đám hoặc tinh mị, hoặc hồ ly, hoặc quỷ hấp tinh đeo bám ở trên thân để hút tinh khí. Do bị quỷ bám nên sức khỏe suy hao, thường gặp xui xẻo. Do quỷ ám mà phước lộc trong vô hình bị trừ sạch, sống nghèo túng vất vả mưu sinh. Phước trừ hết ắt sẽ lẹm vào thọ mạng, do đó mà đoản mạng chết trẻ, chẳng được hưởng hết tuổi thọ của mình.

Tôi mỗi lần có việc đi ngang qua những nơi khách sạn nhà nghỉ, thấy lũ quỷ hấp tinh nhung nhúc mở hội hát ca mà thương xót những kẻ ngoại tình bồ bịch; mỗi lần nhìn những đứa trẻ 14 -15, sớm phạm tà dâm nên bị đám xà tinh, quỷ mị đeo bám ở sau lưng mà đau lòng buốt ruột… Muốn giúp họ mà vô phương vô cách. Thế gian thật thê thảm làm sao!”

2. Sắc Dục họa hại vô cùng

Người thế gian chẳng biết rằng: “Cái họa nữ sắc cực kỳ khốc liệt. Từ xưa đến nay, do họa này mà nước mất, nhà tan, bại thân, tuyệt tự, kể sao cho xiết! Dẫu chưa đến nỗi ấy, nhưng trong số đó, những kẻ thân đang khỏe mạnh, trở thành suy nhược, chí đang sáng suốt trở thành hôn ám, biến tư chất đội trời đạp đất, mong “thành thánh, thành hiền”, trở thành hạng tầm thường, hèn tệ, không có chí lập thân, lại há có ngằn hạn? Huống chi, những kẻ nghịch thiên lý, loạn nhân luân, sống làm loài cầm thú mặc áo, đội mũ, chết đọa trong tam đồ ác đạo, làm sao có thể thấy hết, biết hết cho được?”

Tổ Ấn Quang bảo: “Trong mười phần nhân dân của thế gian, những kẻ chết trực tiếp vì sắc dục chừng bốn phần, kẻ gián tiếp bị chết, cũng đến bốn phần, tức là do bị sắc dục gây hao tổn, chịu những cảm xúc khác mà chết. Những kẻ bị chết ấy, không ai chẳng đổ thừa cho số mạng, nào có biết vì tham sắc mà chết, đều chẳng phải là do số mạng.

Nếu là chết vì số mạng, phải là người giữ lòng thanh tịnh, trinh lương, không tham dục sự! Những kẻ tham sắc kia đều là tự tàn hại đời mình, há có thể nói là vì số mạng ư? Còn những người do mạng mà sống, mạng hết bèn chết, chẳng qua chỉ được một hai phần đó thôi! Do vậy biết: Quá nửa thiên hạ đều là kẻ chết oan uổng. Mối họa này khốc liệt có một không hai trong cõi đời, chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ ư?

Con em đất Trường An ở xứ Thiểm Tây của tôi phần nhiều thích chơi dế. Có ba anh em tuổi đã choai choai. Một đêm trăng đi bắt dế nơi gò mả. Chúng thấy một thiếu phụ nhan sắc tuyệt vời, bèn cùng đuổi theo. Người thiếu phụ ấy khuôn mặt biến đổi, thất khiếu ứa máu, lưỡi thè ra hơn cả thước. Ba đứa nó sợ chết ngất. Ngày hôm sau người nhà tìm được. Họ cứu sống được một đứa, mới biết chuyện ấy.

Đứa còn sống bệnh nặng mấy tháng mới khỏi. Từ ấy con cháu nhà ấy chẳng dám đi bắt dế vào ban đêm nữa! Khi thiếu phụ đó chưa biến đổi khuôn mặt, lòng yêu nhập vào xương tủy, không thỏa lòng dục không xong! Đến khi vẻ mặt biến đổi, bèn kinh hãi đến chết, tâm ái chẳng hề còn nữa! Nhưng trong lúc chúng cùng nhau đuổi theo cô ta ấy, đương nhiên là chưa thấy máu và lưỡi thè ra. Sao khi máu chưa chảy, lưỡi còn ngậm, bèn sanh tâm ái? Lúc máu chảy, lưỡi thè ra, lại sanh tâm sợ?

Hiểu rõ điều này, hễ thấy trang sắc nước hương trời, đều tưởng như con quỷ treo cổ, thất khiếu tuôn máu, lưỡi thè ra hơn thước, sao đến nỗi bị sắc làm mê, sống chẳng hưởng hết tuổi trời, chết đi bị đọa vĩnh viễn trong đường ác ư?”

3. Sắc Dục là xiềng xích của đời người

Kinh Bồ Tát ha sắc dục pháp nói: “Sắc đẹp nữ nhân là gông cùm của người thế gian, những kẻ phàm phu tham luyến vướng mắc rồi không thể tự thoát ra được. Sắc đẹp nữ nhân là khổ nạn nặng nề của người thế gian, những kẻ phàm phu bị vây khốn vào đó thì cho đến chết cũng không dứt được. Sắc đẹp nữ nhân là mối tai họa nguy hiểm của người thế gian, những kẻ phàm phu đã vướng phải rồi thì mọi thứ tai ách khổ nạn đều theo nhau kéo đến.

Người tu tập một khi buông bỏ được sự tham luyến sắc dục rồi, nếu lại còn khởi lên tà niệm thì chẳng khác nào như vừa từ trong lao ngục được thoát ra đã quay trở vào, như người điên loạn vừa được tỉnh táo lại tái phát bệnh cuồng điên như cũ.”

Kinh lại cũng nói rằng: “Quán xét tướng trạng của sắc dục, lời nói thì dịu dàng như mật ngọt, nhưng bên trong ẩn chứa sự nguy hiểm độc hại, khác nào như vực sâu nước trong vắt im lìm nhưng có loài thuồng luồng dữ tợn ẩn náu chực chờ hại mạng, lại cũng như núi vàng hang báu nhưng có sư tử hung bạo nằm phục sẵn sàng giết người.

Gia đình bất hòa, nguyên do thường phát sinh từ sự đam mê sắc dục. Gia tộc suy bại là tội lỗi của sắc dục. Sắc dục chính là kẻ giặc nghịch, ngấm ngầm diệt mất sự sáng suốt trí tuệ của người. Ví như tấm lưới giăng cao ngang trời, bầy chim vướng phải thì không còn được tự do bay nhảy. Lại như tấm lưới bủa dày dưới sông, cá tôm đã mắc vào thì chắc chắn phải bỏ mạng vì dao thớt. Cho nên, người có trí tuệ nhận biết rõ ràng sự nguy hại như thế mà khéo tránh xa, không để cho sắc dục mê hoặc.”

Kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật dạy rằng: “Con người bị vướng mắc trói buộc với vợ con, tài sản còn ghê gớm hơn cả tù ngục giam cầm. Tù ngục giam cầm còn có kỳ hạn được thả ra, trói buộc với vợ con thì vĩnh viễn chẳng lúc nào nghĩ đến sự xa lìa.”

Kinh Đạo hạnh Bát-nhã dạy rằng: “Người tại gia ngày ngày đối diện với nữ sắc, trong lòng không được vui vẻ an ổn, thường phải lo lắng sợ sệt. Cũng giống như người phải đi qua vùng hoang vu rộng lớn, trong lòng thường lo sợ bọn giặc cướp.”

Nghiệp thức hóa làm trùng

Câu chuyện sau đây là điển hình cho câu nói: Sắc dục là xiềng xích của đời người.

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị cư sĩ tu hành thanh tịnh, tin sâu, cúng dường Tam bảo. Vào lúc ông lâm chung, người vợ ở bên cạnh than khóc thảm thiết; ông nghe như vậy sinh lòng luyến ái, ngay lúc ấy qua đời; thần thức liền không đi đâu được, lập tức hóa sinh làm một con trùng nhỏ ở trong mũi người vợ.

Bấy giờ có một vị tăng đi ngang qua, thấy người vợ khóc than quá thảm thiết liền ghé vào dùng lời khuyên nhủ, an ủi. Khi ấy người vợ khóc nhiều, nước mắt nước mũi cùng tuôn ra, con trùng cũng theo đó mà rơi xuống đất. Người vợ nhìn thấy con trùng từ trong mũi mình ra thì hổ thẹn. Bà muốn dùng chân đạp lên.

Vị tăng thấy vậy gấp rút ngăn cản, nói: “Đừng, đừng giết nó. Đó chính là chồng cô vừa mới hóa sinh đó.”

Người vợ ngạc nhiên nói: “Chồng tôi là người tụng kinh, giữ giới, tu tập tinh tấn khó có người theo kịp. Vì nhân duyên gì lại có chuyện hóa sinh làm trùng?”

Vị tăng liền đáp: “Do tình ân ái của cô. Lúc ông ấy lâm chung cô than khóc thảm thiết. Việc ấy khiến trong lòng ông ấy khởi sinh sự luyến ái quá mạnh; phải đọa làm thân trùng.”

Nhân đó vị tăng liền thuyết pháp cho con trùng nghe. Nghe xong, con trùng khởi tâm sám hối; vừa bỏ thân trùng liền sinh về cõi trời.

Sắc dục là gì, tham sắc dục tạo nghiệp gì? Sự nguy hiểm của tâm sắc dục

4. Tham sắc dục tạo nghiệp gì?

Phật dạy sự lạc thú từ việc tham sắc dục chỉ là nhất thời nhưng tội nghiệp mang lại thì to như núi. Nếu phạm lỗi, không chỉ người đó đã gây ra tai họa lớn cho chính mình, mà còn mang tới bất hạnh cho con cái họ.

Câu chuyện quả báo của việc tham sắc dục đáng suy ngẫm

Có một câu chuyện vẫn được dân gian lưu truyền để răn dạy người đời giữ gìn chung thủy trong cuộc sống lứa đôi.

Cổ ngữ có câu: “Làm việc phải theo Thiên đạo”. Họ cho rằng, người tham háo sắc dục, ý niệm, hành vi bất chính không chỉ làm tổn hại đến danh tiết và bản tính thiện lương của bản thân mà còn trái với Thiên lý, nên phải chịu sự trừng phạt. Câu chuyện về người đàn ông tham háo sắc dục dưới đây là một ví dụ.

Trước đây có một vị thư sinh tên là Lý Sinh, vô cùng chăm chỉ đọc sách, giỏi viết văn. Trên đường đến kinh thành dự thi, anh ta quyết định nghỉ lại qua đêm ở một nhà trọ bên đường.

Đêm trước, người chủ quán trọ vốn nằm mộng gặp Thổ Địa và Thổ Địa nói với ông rằng: “Ngày mai sẽ có một vị tên là Lý Sinh đến nghỉ trọ tại quán của ông. Ông phải đối đãi tốt với anh ta, bởi vì anh ta có mệnh thi đỗ khoa bảng!”.

Sáng sớm ngày hôm sau, quả nhiên Lý Sinh đã đến. Ông chủ quán trọ ân cần chiêu đãi đồ ăn ngon và còn cung cấp xe ngựa cho anh ta đi.

Lý Sinh thấy quá lạ bèn hỏi chủ quán: “Vì sao ông lại đối đãi tốt với tôi như vậy?”.

Chủ quán liền kể lại giấc mộng đêm qua của mình cho Lý Sinh nghe. Lý Sinh nghe xong vô cùng cao hứng, liền nghĩ mãi rằng: “Mình sắp đỗ đạt công danh rồi! Nếu mình mà làm đại quan thì mình phải bỏ ngay người vợ xấu xí hiện tại của mình và lấy người vợ mới xinh đẹp hơn mới phải!”

Sau khi Lý Sinh rời đi vào sáng hôm sau, người chủ lữ quán lại mộng thấy Thổ Thần đến nói với ông rằng: “Lý Sinh này có ý định bất lương, công danh còn chưa thành mà đã nghĩ đến chuyện vứt bỏ người vợ tào khang, giờ thì anh ta đã không còn hy vọng đỗ đạt nữa rồi.”

Mấy hôm sau, Lý Sinh lại trở về quán trọ ấy nhưng ông chủ quán trọ lại đối xử với anh ta vô cùng lạnh nhạt, thậm chí còn không cho phép anh ta ở lại qua đêm.

Lý Sinh không hiểu vì sao liền hỏi người chủ quán trọ nguyên nhân. Chủ quán trọ liền nói lại những lời mà Thổ Thần đã nói với ông cho Lý Sinh nghe. Lý Sinh nghe xong kinh sợ và cảm thấy vô cùng xấu hổi, vội vã rời đi. Về sau, quả nhiên là Lý Sinh không đắc được chút công danh nào.

Lý Sinh chỉ có một ý nghĩ sai trái, vậy mà mệnh của anh ta vốn đắc công danh đã bị hủy đi, phúc báo bị tước mất hết. Người xưa nói, hết thảy họa phúc của một người đều không tách rời với lòng dạ của người ấy, cát hung, họa phúc đều do tâm người tạo ra.

Tham sắc dục tạo nghiệp gì?

Người tham sắc dục là người tham lam say mê những nhu cầu như danh lợi, dục vọng, tiền tài sắc đẹp thì sẽ bị quả báo tham dục không chán, tâm không an.

Văn Xương Đế có câu: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hành kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí. Ta nhĩ hữu chúng, thính dữ huấn ngôn. Duy huệ địch cát, tự cổ vân nhiên. Bất thiện giáng ương, thác nhân minh giới.” Ý nghĩa là: Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương. Các bậc sỹ tử hãy nghe lời khuyên của ta: Từ xưa đến nay thuận trời thì mới đạt được cát khánh; trái ý trời chính là tội ác, tất sẽ gặp tai họa, đây cũng là lời răn dạy của các bậc thánh hiền xưa nay.

Đam mê sắc dục là tự phá hoại đời mình, đó là hạng phàm phu tự dìm mình xuống chỗ bùn lầy. Đức Phật ví họ như một đứa bé dại khờ vì tham tiếc một chút mật trên lưỡi dao bén, le lưỡi liếm mà phải chịu cái họa đứt lưỡi, hoặc như người ngu si cầm đuốc đi ngược gió ắt phải bị cháy tay. Sắc dục hại người hơn cả thú dữ, hơn cả nước lũ vì nó mê hoặc người làm việc xấu ái, tạo tai họa nhiều kiếp sau dày, chịu trầm luân khổ sợ không thể nào thoát khỏi.

Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Đối với những người phạm tội tà dâm, một số thì bị mất mạng, một số thì bị mất chức vị, một số hủy hoại gia đình và một số thì bị tuyệt tự. Một người có thể có mệnh phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người có thể có mệnh được hưởng phúc và thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể bị tật nguyền hay chết yểu. Một người có thể có vợ hiền thục và tiết hạnh, nhưng nếu phạm tội tà dâm, bạn đời của anh ta có thể trở nên lẳng lơ và phóng đãng.

5. Sự nguy hiểm của tâm sắc dục

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Ta không thấy một sắc, nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

2. Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

3-5. Ta không thấy một hương….một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương… vị… xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

6. Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.

7-10. Ta không thấy một tiếng… một hương… một vị… một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng… hương… vị… xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà. ( kinh Tăng Chi tập 1)

Lời bàn:

Thật vậy, đức Phật đã nhìn thấy được và hiểu biết một cách đúng đắn khi dùng chánh tri kiến (chỉ cho ý thức) suy tư về nội tâm sắc dục và về ngoại tâm sắc dục. Nên Ngài đã dạy cho hàng đệ tử xuất gia và hàng đệ tử tại gia vể sự nguy hiểm của tâm ái luyến sắc dục để tránh xa nó. Chính vì vậy, Phật đã chỉ rõ sự ham thích về dục lạc là do khi sáu căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) nó tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) rồi nó nhận biết trên sáu thức (sắc thức, thanh thức, hương thức, vị thức, xúc thức, và ý thức).

Ngoại tâm sắc dục là khi 6 căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) nó tiếp xúc với 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), khi giao tiếp tiếp xúc với người khác phái thì trên 6 căn này của mỗi người sẽ chạy theo tâm tư ham thích dục lạc, chỉ cho sự thích thú đam mê về sắc dục: Cũng như khi mắt nhìn thấy hình tướng (thấy thân thể, quần áo, đồ dùng) của người khác phái thì nó sẽ đam mê theo, khi tai nghe tiếng nói của người khác phái thì nó cũng đam mê theo, khi lỗ mũi ngửi hương thơm của người khác phái thì tâm ham thích liền… Đó là chỉ cho sự ham thích trên ngoại tâm sắc dục. Cho nên đức Phật dạy trong một bài kệ sau:

“Với mắt cúi nhìn xuống,
Chân đi không lưu luyến,
Sáu căn khéo hộ trì,
Tâm ý khéo chế ngự,
Không đầy ứ rỉ chảy,
Không cháy đỏ bừng lên”

Ngày ngày, chúng ta phải khéo léo giữ gìn phòng hộ sáu căn. Nếu như không khéo phòng hộ thì tâm ý dễ dàng buông lung, phóng túng theo sáu trần. Khi đã phóng tâm chạy theo rồi thì muôn ngàn thứ đau khổ đau, hệ lụy, triền phược.

Còn trên nội tâm sắc dục thì tâm tư ý nghĩ nó luôn hướng về, nghĩ đến những điều ham muốn về sắc dục rồi nó sẽ thể hiện qua hành động và qua ngôn ngữ đối với người khác phái. Hoặc nó luôn nhớ hình bóng của người khác phái, từ đó nó sinh tâm thương nhớ chờ mong da diết. Cho nên có một nhạc sĩ đã thốt lên rằng:

“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”

Từ đó đức Phật mới nói lên là tâm sắc dục có một sức mạnh cuốn hút mãnh liệt như vậy. Cho nên Ngài mới lên rằng “ Ta không thấy một sắc, một hương, một vị, một xúc, một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông. Hoặc “. Ta không thấy một sắc, một hương, một vị, một xúc, nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng… hương… vị… xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”.

Đức Phật dạy chính tâm ham muốn về sắc dục này mà con người chịu muôn ngàn thứ khổ đau. Vì chính nó đã xâm chiếm và ngự trị trên thân tâm này, làm cho thân lẫn tâm lúc nào cũng khổ đau, huệ lụy. Chính nó là con đường mà con người phải gánh chịu bị quả khổ vì phải trôi lăn trong sanh tử, chỉ cho tâm thức của chúng ta luôn luôn phải chịu đau khổ trên sáu trạng thái luân hồi, đó là sáu trạng thái (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời và atula), chỉ cho muôn ngàn thứ đau khổ, đó là Tập đế, tập đế là tập hợp muôn ngàn sự đau khổ.

Khi con người đam mê thích thú trên sắc dục thì cũng giống như hai cục nam châm vậy, khi để gần nhau sẽ hút lấy nhau không bao giờ gỡ ra được. Vì do sự vô minh con người không nhận chân được sự thật của khổ đau, cho nên hằng cứ chạy theo cái vòng lẩn quẩn đó. Ai cũng biết rằng tâm ham muốn sắc dục (chỉ cho sự ham thích về dâm dục) là điều khổ đau, bệnh tật, nguy hiểm. Như thế mà ai cũng chạy theo đắm say theo nó. Khi trai lớn lên thì có vợ còn gái lớn thì phải có chồng, tuy điều đó là quy luật tự nhiên của con người. Nhưng nếu con người không chịu hiểu biết, nhận chân về cái quy luật này thì con người sẽ bị chìm trong khổ đau, hệ lụy.

Cái hạnh phúc đó chỉ là thứ hạnh phúc giả tạm, mong manh. Cái hạnh phúc bị ràng buộc, bị chấp thủ, bị chi phối bởi đối phương của mình. Cái hạnh phúc đó là cưới nhau về vài ngày đầu còn vui hạnh phúc, chưa cãi lộn với nhau, còn trôn trọng nhau, nhưng qua một thời gian sống chung với nhau thì không còn tôn tri trật tự với nhau nữa, không còn trôn trọng với nhau nữa, vợ chồng cãi vã la lối um sùm cả làng cả xóm đều nghe hết. Có những người cưới nhau về cũng có hạnh phúc thật sự, vợ chồng thương yêu, chăm sóc quan tâm cho nhau, nhưng thứ hạnh phúc đó chỉ được hạnh phúc một trăm năm là cùng thì ai cũng phải đến lúc chết, vì định luật vô thường thân này cũng phải già chết…đó là sự sanh ly tử biệt. Như vậy mà con Người cho đó là thứ hạnh phúc vĩnh cửu, trường tồn, trường cửu.

Đức Phật dạy ai còn ham thích về sắc dục thì không thể nào tu hành giải thoát được. Chính vì ham thích về sắc dục mà con người đã tạo ra hành động biết bao nhiêu điều ác để phục vụ cho nó. Hiểu được điều này mọi người đừng chạy theo tâm sắc dục, đừng có phục vụ nó. Nếu ai đã có vợ có chồng thì phải biết sống chung thủy yêu thương đừng vì nhu cầu ham thích sắc dục mà hành động theo nó, đánh mất hạnh phúc gia đình, làm khổ mình khổ người và làm khổ cả hai.

Khi xưa, đức Phật còn đang là Thái tử. Ngài có một cuộc sống sung sướng giàu sang là con nhà quyền quý vua chúa. Ngài là một Thái tử có vợ đẹp, giữa Thái tử và công chưa Da Du Đà La không bao giờ tranh cải hay bất đồng quan điểm với nhau, Thái tử và công chúa sống yêu thương nhau hiểu nhau thông cảm nhau. Hai người đồng thời là vợ chồng, nhưng cũng chính là đôi bạn tri âm tri kỹ với nhau. Nhưng không vì đó mà Thái tử đam mê đắm say theo nó. Mà Ngài còn suy tư, ưu tư đến những vấn đề khác, Ngài luôn thao thức suy tư về cái hạnh phúc tạm bợ của năm thứ dục lạc : danh (công danh, sự nghiệp), lợi (lợi dưỡng, cung kính), sắc (sắc dục), thực (thực phẩm), thùy (ngủ nghỉ). Chính năm món dục nó chi phối, nó tác động trên thân tâm của mỗi người. Ngài suy tư đến sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, ưu, não là khổ… khi Phật ưu tư về bốn điều: sanh, già, bệnh, chết là khổ, là nguy hiểm thì Ngài đã dũng cảm rời hoàng cung, rời vợ đẹp, rời con thơ để vào rừng sâu đi tìm chân lý. Đức Phật là một con người có trí nên nhận rõ, hiểu biết, giác ngộ được điều này là khổ nên Ngài từ bỏ tất cả sự giàu sang quý phái để xuất gia làm chủ được những thói hư, tật xấu, nguy hiểm đó.

Đạo Phật trong khi thừa nhận cuộc đời có vị ngọt đó là thứ hạnh phúc mong manh. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và những gì con người cảm nhận được (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) những pháp này đều do duyên sinh, vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Nói khác đi, tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, dù tốt hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, đều phải thay đổi và không có tính cách trường cửu. Như vậy, sự nguy hiểm ở đây được hiểu theo nghĩa một quy luật tự nhiên, có sinh tức có diệt. Mặt khác, sự nguy hiểm của cuộc đời cũng được thấy rõ bởi lòng tham lam ích kỉ của con người, tức là do khao khát muốn chiếm hữu và thỏa mãn các vị ngọt hay lạc thú ở đời mà con người bất chấp đạo lý, rơi vào các hành vi ác, bất thiện như tranh chấp, chiến tranh, xâm lăng, mưu hại lẫn nhau, khiến gây khổ đau cho mình và cho người khác. Đây là những gì đang diễn ra xung quang và hầu như khắp nơi trên thế giới.

Đức Phật dạy muốn hiểu nó, không làm theo chìu theo cái tâm sắc dục này nữa thì phải quán thân này Bất tịnh, nó rất hôi thúi…Thật vậy, trong thân ta chứa đầy những đồ bất tịnh: đàm, mật, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu, phân, lông, da,… những đồ bất tịnh trên cái thân ngũ uẩn này được bao bọc bởi một lớp da. Cho nên Phât dạy thân này làm bằng xương, quét tô bằng thịt máu…Tuy vậy, Đức Phật còn quán chiếu:

“Chẳng bao lâu thân này,
sẽ nằm dài trên đất,
bị vứt bỏ vô thức,
như khúc cây vô dụng”.

Đức Phật dạy thân này không phải là ta, là của ta, hay là tự ngã của ta. Mà thân này do vô minh (nghiệp) tạo thành thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió). Thân tứ đại là thế, không có thực, do nhân duyên tứ đại hợp lại mà thành cái thân ngũ uẩn này. Bây giờ, con người có yêu thương đắm say theo nó, sẽ rất bị nguy hiểm trên cái thân này, có yêu thương, trân quý, bảo vệ, chăm sóc… trên cái thân này thì nó cũng bị già, bị bệnh, bị chết.

Cho dù có giàu có, tài sản nhiều cũng không thể nào mua được cái thân già làm cho trẻ lại, hoặc lấy tiền làm cho hết bệnh được, hoặc dùng tiền để đổi lại không bị chết được.

Thấy sự nguy hiểm của tâm sắc dục và hiểu rõ thân bất tịnh này. Con người muốn không còn khổ đau thì nên suy tư đến nó để hiểu thấu đúng đắn, nhận chân được cuộc sống này để sống đúng đạo đức đừng làm mình khổ, người khác khổ… Đó là một sự giải thoát.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Duyên đến duyên đi, thứ gì là của ta?

Định Tuệ

Hệ lụy của lòng tham và không thực hành cách sống Thiểu dục tri túc

Định Tuệ

Kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ bằng cách nào?

Định Tuệ

Mặt phải trái của sự giàu có: Tiền bạc của cải chỉ là phương tiện

Định Tuệ

Trong cuộc sống hãy khoan dung để thêm bạn bớt thù

Định Tuệ

Tâm phải làm sao mới an? Cách an tâm như thế nào?

Định Tuệ

Người ăn chay có được phước hay không?

Định Tuệ

Con người cả đời tranh giành nhau rốt cuộc vì điều gì?

Định Tuệ

Tu mót: Được một phút tốt một phút, được một giờ tốt một giờ

Định Tuệ

Viết Bình Luận