Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Phẩm thứ 36: Bảy lọ vàng – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Khóa an cư năm ấy, đức Phật cho các vị Tỳ Khưu được tùy ý đi các nơi kết tập.

Khi hết hạn, các vị đều về thăm Phật và nhận chịu lời dạy bảo của Ngài. Phật và các vị trong chín tuần xa cách, hôm nay về nơi Ngài đông đảo Ngài vui vẻ! Với lòng từ bi cất cánh tay ngàn vòng xoáy, xoa đầu các vị rồi hỏi:

– Các người ở xa, sự an cư có được yên không? Ăn uống có đầy đủ không? Ít bệnh ít não không?

– Dạ, lạy đức Thế Tôn! Nhờ công đức Thế Tôn, năm nay được an cư yên ổn! Mọi điều kiện đều được đầy đủ. Sự giáo hóa dễ dàng, chúng sinh vui vẻ!

Công đức của Phật như trời cao! Như biển cả! Khắp nhân gian thiên thượng ai bì kịp, hôm nay thấy Ngài tuy hỏi han các vị, nhưng có một vẻ khiêm kính, khác mọi lúc, chắc có một thâm ý gì khác, nên tôi tới trước quỳ thẳng chắp tay bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài xuất thế là một việc rất hiếm có, công đức và trí tuệ, rộng như hư không, lớn như pháp giới. Hôm nay Ngài hạ ý hỏi han các vị Tỳ Khưu một cách khiêm kính. Không rõ lời nói khiêm kính ấy là gần hay xa, cúi đầu chỉ bảo cho chúng con được rõ?

Phật dạy: – A Nan, muốn biết hãy để ý nghe, tôi sẽ vì ông mà nói!

– Dạ lạy đức Thế Tôn! Con xin chú ý nghe!

– A Nan, câu chuyện này từ đời quá khứ, đã lâu lắm, không thể tính được, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một nước lớn tên là Ba La Nại, có một người chăm làm giàu, được đồng nào chỉ mua vàng cất kỹ, không dám ăn uống may sắm dần dần được một lọ vàng đem chôn, cứ như thế chăm chỉ làm ăn cực khổ đã lâu năm không dám tiêu xài, và giúp đỡ cha mẹ anh em, sau được sáu lọ nữa cũng đem chôn giấu hết.

Qua thời gian chẳng may bị bệnh chết mất, vì tiếc vàng nên phải đọa làm thân con rắn độc, ở ngay nhà mình, để coi bảy lọ vàng. Trải qua lâu năm nhà ấy bị mục nát hư hỏng, con rắn ấy cũng chết: Bởi linh hồn rắn còn tham tiếc vàng, nên bị đọa làm thân rắn một lần nữa, chừng vài muôn năm, quanh quẩn coi giữ, trên đống đất chôn vàng; coi giữ mãi, thấy không có ích gì, sinh lòng chán ghét, thầm nghĩ như vầy:

– Ta vì tham tiếc vàng nên phải chịu thân thể xấu ác, vậy đem số vàng này cúng dàng, để cầu cho ta đời đời được nhiều phước tốt lành trên cõi nhân, thiên.

Nghĩ xong bò tới bên lề đường lẩn thân trong đám cỏ, chợt thấy một người đi qua, lớn tiếng gọi: Người ấy nghe tiếng gọi đứng lại nhìn xung quanh không thấy ai, lại bắt đầu đi, con rắn liền bò ra giữa đường gọi rằng:

– Này bác kia ơi! Bác lại gần đây tôi nhờ bác việc này!

Đáp: – Ngươi độc ác như vậy! Gọi ta làm chi, lại gần để hại ta hay sao?

– Phải, tôi ác như thế này, nếu không lại tôi sẽ tác hại đấy!

Người đó tuy sợ nhưng cũng phải đến gần.

Rắn nói: – Nhà tôi có lọ vàng, muốn nhờ bác đem đi cúng dàng cầu phước, bác có thể hộ tôi được không? Nếu không hộ, tôi sẽ cắn chết!

– Vâng, tôi xin giúp, không sao!

Rắn dẫn ông này về đống đất chôn vàng, bảo ông bới lên một lọ rồi nói rằng:

– Bác mang vàng này đến chùa cúng dàng, và lấy ra một ít, nhờ bác bán lấy tiền, mua gạo và các món ăn, hoa quả làm cơm chay cúng sư Tăng, định ngày nào cúng thì mang một cái gậy đến đây khiêng tôi đến chùa!

Người ấy mang vàng đến chùa đưa cho ông Tăng Duy Na, và nói lý do như trên cho ông nghe.

Ông Duy Na cười nói: – Rắn độc sao lại biết cúng dàng như vậy? Muốn cúng tôi sẽ định ngày cho!

– Thưa Ngài hôm nào ngài cho biết trước để sửa soạn?

– Ngày mười rằm tới, là ngày trai, cũng là ngày sám hối, cúng ngày đó công đức vô lượng!

– Dạ, xin phép Ngài tôi về để thu xếp công việc!

Tới ngày nói trên, ông mang một cái gậy đến, rắn thấy ông vui vẻ hỏi han? Rồi quấn mình vào cây gậy phủ cái chăn chiên lên trên cho người ta khỏi nhìn thấy, đi đường gặp người hỏi:

– Ông khiêng cái gì đẹp thế?

Ông lặng yên không trả lời, họ lại hỏi:

– Ông khiêng gì đẹp thế?

Họ hỏi đến ba lần, ông vẫn làm thinh không trả lời. Rằn thấy ông không trả lời, giận quá! Nghĩ như vầy:

– Anh này dở quá, người ta trịnh trọng hỏi đến ba lần, mà không nói, thực là ngu si quá!

Nghĩ như thế thì độc tâm lại càng bộc phát, định nhả độc phun chết ông. Xong lại thầm nghĩ:

– Người này vì ta làm phước, ơn đó chưa trả, vậy ta nên nhẫn đi.

Một lát đi tới chỗ đất không đồng vắng, rắn tự nói rằng:

– Bác để tôi xuống đây!

Vừa để xuống, rắn mắng rằng:

– Con người ta có mồm để nói để ăn, anh có mồm để làm gì? Mà người ta hỏi đến ba lần không nói? Anh ngu si quá!

Ông nghe rắn mắng, nhưng tâm không có giận, tự hối hận một vẻ khiêm tốn và xin lỗi. Rắn lại dặn rằng:

– Từ đây trở đi, anh không được thế nữa, ai hỏi phải nói đàng hoàng.

– Dạ từ nay tôi xin thọ giáo, không dám như trước nữa!

Khi đến chùa để rắn trước giảng đường, vừa đúng thời trai chư Tăng, ông đứng ở lối kinh hành.

Rắn sai ông dâng hương cúng sư Tăng; rắn nhìn ông dâng hương, bằng cặp mắt thành kính tín ngưỡng, không hề chớp. Khi Tăng chúng đi nhiễu quanh tháp. Rắn sai ông dâng nước, và giương đôi mắt cung kính quan sát!

Chư Tăng dùng cơm xong thuyết pháp cho nghe như sau:

– Bố thí cúng dàng được phước báu giàu sang, thân hình khỏe mạnh.

Giữ giới được sinh nhân, thiên, hưởng phúc tốt lành. Thấy Phật và sư Tăng hoan hỷ chiêm bái thì được thân tướng đoan nghiêm tươi đẹp. Keo sẻn tích trữ, không chịu bố thí, thì đọa làm loài quỷ đói. Tâm tham độc sân si, bị loài thú ác độc trùng, trăn, rắn.

Rắn nghe xong vui vẻ thưa rằng:

– Kính thưa Đại Đức! Mời Ngài đến chỗ con ở, hãy còn sáu lọ đem về chùa dâng lên Tam Bảo, làm lễ cầu nguyện, hướng phúc cho rắn, nhân sự cầu nguyện ấy và phước cúng dàng, rắn chết được lên cõi trời Đao Lợi.

Tới đây Phật thuật lại rằng:

– A Nan, ông nên biết: Người khiêng rắn ấy há phải ai đâu; chính là tiền thân của ta đấy! Rắn độc thuở đó; nay là ông Xá Lợi Phất.

Ngày ấy ta bị rắn mắng trách còn tự thẹn hổ, và sinh lòng khiêm hạ, không những thế, ta đối với tất cả muôn loài, đều coi bình đẳng, cho đến nay không thoái chuyển.

Khi đó tôi và các vị Tỳ Khưu, nghe Phật nói xong, ai nấy đều kính phục, tâm bình đẳng khiêm nhượng của người, một lòng lễ kính, bái tạ lui ra.

Trích: Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh – Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch

Bài viết cùng chuyên mục

Những lời khai thị niệm Phật trọng yếu của chư Phật, Bồ Tát

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Đà La Ni thứ 26

Định Tuệ

Đời sống và thân hình của người ở Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Rải hương cúng tháp Phật, sau thành Phật Bích Chi

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm hoa và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Muốn cầu chánh định phải dứt bỏ không ăn ngũ vị tân

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 15: Phẩm Thập Trụ thứ mười lăm

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 9: Phẩm Quang Minh Giác thứ chín

Định Tuệ

Chúng sinh muốn vào chánh định cần nghiêm trì giới luật…

Định Tuệ