Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Lục độ vạn hạnh là gì?

Nếu chúng ta không còn vọng tưởng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, thế chẳng phải là lục độ vạn hạnh thể tròn nguyên hay sao?

Lục độ là gì?

Lục độ là sáu pháp tu căn bản của người học Phật, bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Bố thí thì độ được nết keo kiệt, Trì giới độ làm việc quấy, Nhẫn nhục độ lòng tức giận, Tinh tấn độ sự lười biếng, Thiền định độ tán loạn, Bát-nhã (Trí huệ) độ ngu si.

Sáu pháp tu này thô tế, sâu cạn khác biệt muôn trùng. Như thực hành ở mức thô gọi là Lục độ, thực hành ở mức tế hoặc vi tế gọi là Lục độ ba la mật. Lục độ ba la mật duy có hàng Bồ Tát mới thực hành nổi, phàm phu chúng ta không rớ vô được!

Hòa thượng Tuyên Hóa bảo: “Nếu bạn muốn lập công, lập đức, lập ngôn thì bạn phải dựa vào lục độ.” Thời mạt pháp, người thực hành được Lục độ ở dạng thô thôi cũng đã cực hiếm rồi. Tại sao thế? Bởi để tu được lục độ ắt phải là người có chút định lực mới kham nổi. Nếu không có định lực ắt không thể kham nhẫn mà hành trì được.

Lục độ vạn hạnh là gì?

Lục độ vạn hạnh: Chữ lục độ nằm ở trước, hàm nghĩa: Đây là nền tảng căn bản mà người tu cần phải hành trì cho được. Chữ vạn hạnh nằm ở phía sau có hàm nghĩa: Khéo nghiêm trì lục độ, thì tu pháp gì cũng đều được.

Kinh dạy: “Lục độ vạn hạnh, bố thí làm đầu. Trong các nhiệm vụ cấp bách của việc phát tâm thì hỷ xả là bậc nhất.” Pháp bố thí, từ tài thí cho đến vô úy thí, cạn sâu cũng muôn trùng sai biệt. Các pháp trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ cũng như thế.

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy:

Vạn hạnh nói về sự thực hành pháp môn. Ðây là những pháp môn thiện, không phải pháp môn ác. Số lượng các pháp môn thiện rất nhiều, kể không hết, nói tổng quát có thể gom lại trong câu “vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi” – chẳng vì điều thiện nhỏ mà bỏ qua không làm, chẳng vì điều ác nhỏ mà làm – tức là hết thảy mọi điều thiện nên làm, hết thảy điều ác phải tránh, giống như là trì giới, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Chúng thiện là các điều thiện, không nói rõ số mục là bao nhiêu, là rất nhiều, nên gọi là vạn hạnh.

Thể tròn nguyên: Gọi là lục độ vạn hạnh, chẳng phải đi kiếm ở đâu bên ngoài, mà là thực hiện ở bên trong từ tự tánh mà ra, mà dụng công phu.

Lấy thí dụ về bố thí. Mắt của chúng ta nhìn mọi vật, không nên nhìn một cách tham lam mà không chán, như vậy là bố thí rồi, là đã cứu độ cho “giặc con mắt” rồi.

Về mũi thì ta không nên tham luyến mùi hương. Như quí vị nói quí vị giữ giới không trộm cắp, nhưng mũi của quí vị thì rất dễ phạm tội này. Như khi thấy có mùi thơm, quí vị chẳng hỏi ai mà đã hít hà. Thấy có dầu thơm, chẳng kịp hỏi người ta một tiếng: “quí vị có dầu thơm, cho tôi ngửi một cái được không?” Ðã vội vàng đưa lên mũi ngửi, đó là giặc mũi, đã ngửi lén. Như vậy tức là quí vị không giữ giới, quí vị đã phạm giới trộm cắp.

Tai thì ưa nghe âm nhạc, thích những âm thanh hay, âm thanh hay thì lòng vui sướng, thanh âm không hay thì sanh bực tức. Nghe người ta mắng mình một câu lòng đã nổi sân hận, quên cả công phu nhẫn nhục, vậy là chưa độ được giặc tai.

Tinh tấn độ lười biếng. Như khi ăn uống thì dùng tới lưỡi, còn khi giảng pháp thì lại muốn lưõi nghỉ ngơi; ăn uống thì tinh tấn, nói chuyện thị phi thì tinh tấn, còn chuyện đứng đắn thì không thích nói, đó gọi là lười biếng, hay là tà tinh tấn, chẳng phải chánh tinh tấn. Nếu quả là chánh tinh tấn thì đã độ cho giặc lưỡi rồi.

Thân chúng ta, chính là phải an tĩnh, không nên vọng động, nhưng quí vị lại làm cho nó chạy lung tung, chạy tới chạy lui. Công phu thiền định chân chánh là thâu hồi cái lăng xăng của thân thể và mang lại sự an tĩnh cho thân này.

Còn về ý, nếu như có trí huệ, chúng ta sẽ không ngu si, vì trí huệ độ được ngu si.

Bởi các lý do trên, ta có thể nói rằng pháp lục độ là để độ cho sáu tên giặc của chúng ta, sáu giặc mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý. Sáu giặc đã tuân phục thì ta không còn vọng tưởng nữa, mà không vọng tưởng tức là tất cả lục độ vạn hạnh thảy đều viên mãn, cho nên mới nói câu “thể tròn nguyên.” Nếu quả thực chúng ta không còn vọng tưởng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, thế chẳng phải là “sáu độ vạn hạnh thể tròn nguyên” hay sao?

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Cách niệm 10 danh hiệu Phật A Di Đà

Định Tuệ

Các quả vị Thánh trong Phật giáo

Định Tuệ

Tại sao phải hồi hướng công đức sau khi tụng Kinh, niệm Phật?

Định Tuệ

Người không biết sám hối và không nhận sự sám hối sẽ chịu khổ lâu dài

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 4 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Tu tập thiện nghiệp, phước đức nhi sanh

Định Tuệ

Cảnh sách đại chúng: Hãy chuyên tâm niệm Phật

Định Tuệ

Chú vãng sanh là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và công năng của chú

Định Tuệ

Tứ chủng thanh tịnh minh hối là kính chiếu yêu ma quỷ quái

Định Tuệ

Viết Bình Luận