Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Hồi hướng công đức là gì? Hồi hướng công đức có tác dụng gì?

Hồi hướng công đức là gì? Hồi hướng công đức có tác dụng như thế nào? Bố thí công đức cho người thì mình có bị giảm bớt đi? Mời quý bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Hồi hướng công đức là gì?

Hồi hướng công đức là ý niệm do Phật giáo Đại thừa triển khai, được trình bày rất đa dạng nên có thể khiến người ta hiểu theo nhiều cách. Về công đức (Punya, Guna) được Đại thừa nghĩa chương giải thích: “Công là công năng làm tăng trưởng phước lợi, đức là đức của người tu hành nên gọi là công đức”. Theo đó, công tạo ra phước lợi nhân quả, đức là đức độ, đức hạnh và công cũng được hiểu biết là công đức. Sách Thắng Man Bảo Quật ghi: “Hết sạch điều ác gọi là công, điều thiện tràn đầy gọi là đức”. Theo đó, công đức là sự toàn thiện.

Xưa kia, Lương Võ Đế hỏi sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma rằng vua đã cho lập chùa, bố thí, độ Tăng vô số, như thế vua được công đức gì không thì Sơ tổ đáp rằng không có công đức gì cả (xem Cảnh Đức truyền đăng lục).

Lục Tổ Huệ Năng giảng rằng: “Đấy là cầu phước, không thể đem phước đổi lấy công đức (…). Công đức là ở trong pháp thân, không thể do tu mà được (…). Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm không ngừng trệ, thường thấy bổn thánh chân thật, diệu dụng, đấy gọi là công đức” (Xem Pháp Bảo Đàn kinh).

Ở đây, công đức thuộc bình diện tuyệt đối, là chân như, bình đẳng, vô sai biệt. Từ các giải thích trên về công đức, ta có thể hiểu công là hành động, là công việc thực hiện, là tu hành, hành thiện; đức là sự phát triển tâm linh, là tánh hạnh, thiện căn tăng trưởng do kết quả của công và công cũng là sự thể hiện của cái đức bên trong. Công đức là sự viên dung giữa thể và dụng, tánh và tướng.

Hồi hướng là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức nghĩa là bố thí khắp cả, tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sanh. Sách Đại thừa nghĩa chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức: a/mong cầu trí tuệ; b/đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sanh và c/đưa thiện căn của mình đến pháp tánh bình đẳng như thật.

Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lởi lạc, là sự thể hiện của từ bi(cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sanh đều được hưởng công đức hồi hướng.

Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ghi: “Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (…), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng”.

Thấy tánh, chân thật, bình đẳng (như ngài Huệ Năng giảng và đoạn trích trong Đại thừa nghĩa chương, đã dẫn) là những pháp vô vi thuộc chân lý tuyệt đối hay chân như thì không liên hệ gì đến lý nhân quả của thế giới hiện tượng (hữu vi) này. Do đó mọi chúng sanh đều được thọ nhận công đức hồi hướng.

Mặt khác, về lý nhân quả thì tùy theo sức hồi hướng (tức trình độ tâm linh) của người hồi hướng và tùy theo nghiệp lực, nghiệp quả của mỗi chúng sanh mà sự thọ nhận có mức độ ít nhiều khác nhau.

Đối với người không làm thiện, thậm chí làm ác thì người ấy cũng thọ nhận được đôi phần công đức; điều này không trái với lý nhân quả vì chắc chắn trong quá khứ, trong vô số kiếp trước, chắc chắn người ấy cũng có hành thiện, tích đức ít nhiều.

Hồi hướng công đức là mục tiêu, hướng đi của chư Phật, Bồ-tát; là một thể cách tu hành để phát triển tâm linh, thể hiện nguyện ước thiện lành, lòng từ bi cao độ mà mọi Phật tử nên thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Hồi hướng công đức là gì? Hồi hướng công đức có tác dụng gì?

2. Hồi hướng công đức có tác dụng như thế nào?

Hồi hướng công đức là mục tiêu, hướng đi của chư Phật, Bồ-tát; là một thể cách tu hành để phát triển tâm linh, thể hiện nguyện ước thiện lành, lòng từ bi cao độ mà mọi Phật tử nên thực hiện.

Lúc ấy, Phật ở thành Xá-vệ, nơi tinh xá Trúc Lâm. Bấy giờ, trong hậu cung của vua Ba-tư-nặc có người cung phi già tên là Thiện Ái, tánh tình cực kỳ tham lam, bủn xỉn, ghét chuyện bố thí, chỉ ưa thích việc ngồi không mà ăn uống.

Ngài Đại Mục-kiền-liên muốn hóa độ cho bà lão, liền đắp y, ôm bình bát, dùng phép thần thông từ trong lòng đất mà hiện lên ngay trước mặt bà lão, xin khất thực.

Bà nghe nói thì sinh tâm sân hận, chẳng chịu bố thí. Bà ăn uống xong, trên bàn chỉ còn thừa một ít trái cây hư thối không ăn được và ít nước rửa bát.

Ngài Mục-liên liền đến xin, bà lão trong lòng giận dữ, lấy những thứ ấy mà thí cho. Ngài Mục-liên nhận lấy rồi, liền nhảy vọt lên hư không, hiện đủ mười tám phép biến hóa.

Khi ấy, bà lão nhìn thấy phép thần biến rồi, mới sinh lòng tin phục, kính ngưỡng, thành tâm mà sám hối.

Ngay trong đêm hôm đó bà chết đi, sanh thành loài quỷ khoáng dã nơi đồng hoang, ở dưới một cội cây, chỉ ăn trái cây và uống nước mà sống.

Qua nhiều năm như vậy. Ngày kia, vua Ba-tư-nặc cùng với quần thần tổ chức một cuộc săn bắn để vui chơi, rượt đuổi theo một đàn nai mà chạy đến đó, mệt và khát nước lắm.

Xa trông thấy cội cây ấy thì muốn đến xem, may ra có nước uống ở đó chăng. Vừa nhắm hướng ấy chạy đến, còn cách cội cây chẳng bao xa thì bỗng có một bức tường lửa bùng lên, cản không đến gần được. Vua nhìn nơi gốc cây thì thấy có dáng một người ngồi, liền đứng từ xa mà hỏi vọng tới:

-Người là ai mà ngồi dưới gốc cây đó?

Người ấy liền đáp:

-Tôi trước là cung phi trong cung vua Ba-tư-nặc, tên là Thiện Ái. Do tánh bủn xỉn, không ưa bố thí, nên mạng chung sanh ra chốn này. Xin đại vương rủ lòng thương, vì tôi mà thiết lễ thỉnh Phật và tỳ-kheo tăng cúng dường, giúp tôi thoát khỏi thân mạng khổ não này.

Vua liền hỏi lại:

-Ta vì ngươi mà làm việc phước, biết có kết quả gì chăng?

Người ấy liền đáp:

-Tất nhiên là được, đại vương cứ làm rồi sẽ tự thấy.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe lời ấy rồi, liền ra lệnh cho quân binh của mình, cứ một trăm bước thì đặt một người đứng canh, vừa để nghe được tiếng nói của nhau. Nối từ đó mà truyền về đến tận cung vua.

Vua về trong thành thiết lễ cúng dường, thỉnh Phật và chư tăng, dặn quân binh canh chừng nơi gốc cây, nếu thấy có sự ứng nghiệm thì tức tốc truyền tin về ngay cho vua biết hư thực như thế nào.

Sắp đặt xong rồi liền thỉnh Phật và chư tăng đến cúng dường, nhờ chú nguyện cho Thiện Ái. Đức Phật và chư tăng thọ nhận xong thì chú nguyện. Chú nguyện vừa xong, nơi gốc cây kia hiện đủ trước mặt Thiện Ái cả trăm món ăn ngon lạ.

Lập tức quân lính truyền nhau báo tin đến vua. Vua Ba-tư-nặc nghe quân phi báo, biết sự ứng nghiệm, sinh lòng tin phục sâu vững. Phật liền vì vua thuyết pháp, vua nghe xong đắc quả Tu-đà-hoàn. Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận. – “Trích kinh Bách Duyên”!

3. Hồi hướng công đức phước báu mỗi khi làm các thiện sự

Hồi hướng công đức phước báu mỗi khi làm việc thiện có nghĩa là ta hoan hỷ muốn cho nhiều người khác cùng làm việc tốt với mình, nhờ vậy nhân loại sẽ bớt khổ đau nhiều hơn.

Chúng ta có thể hồi hướng phước báu cho những người đang sống, vì có nhiều người đang sống trong si mê lầm lạc.

Chúng sinh ở thế gian đâu phải ai cũng có hiểu biết chân chính, nên mỗi khi ta làm việc thiện hay tu tập được an lạc, để hồi hướng công đức cho mọi người cũng được như ta.

Ngoài việc hồi hướng phước đức cho những người cùng sống với ta, chúng ta cũng cần phải hồi hướng cho những chúng sinh sống trong cảnh giới quỷ đói, đang thèm thuồng khao khát miếng ăn vật thực bằng sự tưởng tượng của con người.

Chỉ cần chúng ta có lòng thành, mỗi khi ăn uống hay làm điều gì có ích cho người, ta hãy hồi hướng cho kẻ dương người âm được hưởng phần phước báu, đó là ta đang mở rộng lòng từ bi đến với muôn loài.

Chính vì vậy, mỗi khi chúng ta làm điều gì có ích lợi hoặc thiện lành như giúp đỡ người khác, ta điều hồi hướng để mọi người được chung hưởng.

Chúng ta muốn việc hồi hướng có lợi ích cho tất cả chúng sinh thì ta phải biết giữ giới, bố thí, thiền tập, tùy hỷ việc làm tốt, khiêm tốn, không cống cao ngã mạn và vận dụng lời Phật dạy để ngày càng được sống tốt hơn bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Vậy bố thí công đức cho người thì mình có bị giảm bớt đi?

Dùng công đức ngồi Thiền, niệm Phật, trì giới, tu phước hồi hướng cho người ta là bố thí pháp công đức. Công đức chẳng những không bị giảm bớt mà còn nhiều thêm! Không bố thí thì giống như hạt giống đem chứa trong nhà kho sẽ không lớn được. Nếu có thể bố thì thì giống câu “Gieo một hạt giống mùa xuân, mùa thu thâu vạn tạ”, càng bố thí càng có phước.

Điều gì khỏi tốn tiền mà bố thí hoài không hết?

Cúng dường tiền bạc thì luôn có hạn, bố thí vô úy thì không phải ai cũng làm được; tu tập Thiền định, niệm Phật, Bồ tát hồi hướng cho người ta gọi là loại bố thí pháp trong việc bố thí; lấy mãi không cạn, dùng hoài không hết. Loại bố thí nhu hòa này vui biết bao, nhẹ nhàng biết bao, mà sao không làm?

Xin chúc phúc cho cả chùa thiện căn, thiện sự được tăng trưởng và nhất là thành tựu phước xuất thế gian. Chính là đạt được giác ngộ, giải thoát, an vui…

Bài viết cùng chuyên mục

Phẩm thứ 42: Con ngộ sát cha – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Phẩm thứ 34: Thiết Đầu La Kiện Ninh– Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 1: Phẩm Tựa

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 23: Thập phương Phật tán

Định Tuệ

4 nhân duyên làm con cái đầu thai vào cha mẹ theo quan điểm Phật giáo

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm Hình Phạt và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Phẩm thứ 45: Cá trăm đầu – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Lời Phật dạy về tội sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu

Định Tuệ

Công đức truyền bá và thọ trì Kinh Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Viết Bình Luận