Tâm Hướng Phật
Luân Hồi

Gương nghiệt cảnh – Đài gương soi ác nghiệp có thật không?

Có gương nghiệt cảnh chăng? Có! gương nghiệt cảnh là phản giác kính, trừu tượng, hiện đủ tội lỗi rõ ràng, không chối cải được.

Vấn: Có gương nghiệt cảnh chăng?

Đáp: Có! gương nghiệt cảnh là phản giác kính, trừu tượng, hiện đủ tội lỗi rõ ràng, không chối cải được. Người ta trong khi vui cười, thì việc đã qua quên hết, nhưng nếu có một việc khổ đau, buồn rầu, tức giận, oán ghét, thất bại, sợ sệt, nhàm chán, thì cái ảo ảnh đã qua sẽ lập lại rõ ràng, hiện lại rõ rệt đủ hết, nhớ hết, thấy hết.

Một em bé đời trước giết người, ngày nay thình lình bị một việc chi hốt hoảng, thất vọng, làm cho mê sảng, nó thấy hiện ra cảnh cũ, nó càng sợ quả báo, công lý vay trả nhơn quả, là càng thấy kẻ kia đòi mạng, nó càng sợ sệt, là càng thấy nó ở một cảnh giới khác, của trừu tượng, lộ ra rõ rệt, nó càng tưởng đến sự chết, sự đau khổ của người kia, là tư tưởng đó hiện ngay lại nó, nó thấy nó như bị chém, bị giết, bị đau khổ y như vậy và nó chết. Người ta nói nó bị ma quỷ bắt, là bởi không hiểu, chớ không có ma quỷ nào hết, chỉ tại đến lúc nó dòm vào mặt kiếng, thấy việc làm của nó dội lại, càng tưởng, càng sợ, là càng thấy như thật.

Vì cái ý con người có hai: Khi dư thì muốn thiếu, khi thua thì muốn hơn, xem người rồi lại ngó mình, tưởng nơi mình là bởi thấy nơi người, cái ý hay nhìn dòm hai bên chênh lệch, hay so sánh nhảy qua nhảy lại, thương đó rồi ghét đó, ghét đó rồi thương đó, nó thấy ra luôn luôn việc người là việc mình, việc mình là việc người, do đó mà tư tưởng của nó, hành phạt lấy nó, khi nó làm quấy; thưởng lấy nó, khi nó làm phải, nó dắt cái ta, đến chổ kết quả, y hệt như lúc thật hành không sai một ly tấc, nào có chối cải gì với ai đâu!

Như em bé đó mắc phải đứng trước cảnh phản giác ấy, thì bịnh chắc không thể nào trị được và nó sẽ chết, y như hồi nó giết kẻ kia thuở đời trước vậy, tiếng gọi là đến giờ đền tội.

Một ngưòi đâm heo, thọc huyết, lúc bình thường hăng hái làm việc, nào có suy nghĩ chi đâu, kẻ ác tính tới chớ đâu có tính lui, hay biết giựt mình đứng lại, đến khi nó bịnh, giựt mình, sợ chết, sợ tội, sợ quả báo, hoặc nó gặp cảnh thất vọng đau khổ, hoảng hốt mê sảng, vì một việc gì thì nó nhớ lại hết việc đã qua, lúc đó trí phán quan thơ lại của nó làm việc, tâm Diêm Vương quan Tòa của nó xử phạt, lính quỉ sứ là ý của nó kéo lôi, đi đền tội, nó thấy trước gương nghiệt cảnh phản giác, việc của nó đã làm; nó lại tưởng nó như con heo đang bị thọc huyết, nó đòi dao thớt như lúc buổi ngày xưa.

Kẻ ấy nó đã chết với ngày giờ hiện tại, nó đã sống ngược trở lại một cảnh giới dĩ vãng, và nó thấy sự trở ngược của việc làm, thế là nó đền tội y theo công lý, nhơn quả, quả báo không sai chạy, mà khỏi cần mượn ai xử phạt. Việc làm trở ngược của nó trước mắt thiên hạ không giấu ai được cả, và cũng không ai cứu gỡ nó được.

Có hai hạng ông già, một ông lẫn tới chết, lẫn thật lẫn, là bởi việc làm tội lỗi thật nhiều, kéo dài mãi mãi, ông sống trong một cảnh giới của những tội lỗi đã qua, mà không biết gì là sự hiện tại, trong lúc ấy, cái kính phản giác, hiện rõ trước mắt trí của ông, dầu mắt nhắm, mắt mở, đều thấy ra rõ rệt, nên gọi là kính phản giác, cái tư tưởng dội ngược lại, của việc nói làm đâu đâu hồi trước, mà bây giờ không ai biết được. Có khi ông sẽ thú tội hết, có khi ông thấy như là kẻ kia trả đũa lại ông, ông không có chỗ trốn, thế là ông đã đến giờ đền tội!

Mà lúc bình thường vui vẻ, nào ông có suy nghĩ đến, nhưng khi ông gặp cái vô thường dắt dẫn, thấy chết, thấy không, thất vọng, bực tức, sợ sệt, hoảng hốt điều chi, hoặc khổ não, hoặc đến với cái không ta, không của ta tức là đến lúc mà ông đã hết thời, thất chí, suy sụp, là địa ngục nó sẽ hiện đến trong tư tưởng, để phải trả báo lại cho ông, không thiếu sót. Một ông già lẫn ít, rồi sẽ hết là bởi hành vi đã qua, ít điều tội lỗi, và là tội lỗi nhỏ nhặt, cho nên sự đền trả khỏe khoắn hơn và mau hết được.

Cũng có ông già không có lẫn, là bởi trọn nhiều đời không tội lỗi, trong tâm định vững được, là nhờ có học đạo lý, có tu thiền định, nên không có chấp sa ngã theo hai phép tương đối; cái ý được định, được giác ngộ, không mê lầm, nên không có lẫn; không gặp gương nghiệt cảnh, không có sự phản giác ghê sợ, mà là sự phản giác của mừng vui, của phước báo, của việc từ thiện, của đức huệ hiện đến, thế là ông càng tỉnh táo, càng sáng vui, càng an lạc khoan khoái nhẹ nhàng; tức là ông đã đứng trước cảnh trời, đã gặp cảnh trời, đang ở trong cảnh trời, trong lúc đang sống, và trước khi chết, hay sau khi chết.

Trong cảnh ấy ông cũng ít biết ra việc thế đời tội lỗi, mà ông nhận thấy trong trừu tượng, những kẻ mà ông đã cứu độ, những kẻ ấy là con cháu, học trò, tay sai hầu hạ, trên cõi thiên đường. Đó là giờ hưởng phước đã đến cho ông, kết quả của việc làm ngày xưa, mà hôm nay, ông được toại hưởng riêng mình, không lo sợ ai chia giành cướp giựt, và cũng không cần cất trữ.

Một nhà sư xuất gia giải thoát, làm Khất sĩ du Tăng, thường tu tập công lý, lìa xa tương đối, bỏ dứt nhơn quả, không còn quả báo, như ngọn đèn tắt nghỉ im lặng, nhiều năm nhiều đời đã quen, nhà sư ấy không còn có sự phản giác. Cũng không còn trừu tượng, không còn ý niệm, trong tâm bằng thẳng của yên lặng, tam nghiệp đã định, thì trước mắt trí huệ của người, dầu ở đâu, dầu lúc nào, dầu bao lâu, mãi mãi chỉ là một cảnh giới bằng thẳng, trong sạch, yên lặng, sáng rỡ, trong ấy thỉnh thoảng có chứa một lòng từ bi, thương xót, tế độ chúng sanh, hiện ra, để thâu dạy người ngoài, thật là một cảnh giới đứng ngừng, cả thảy đứng ngừng, vạn vật như đã đứng ngừng, không có nắng mưa gió bụi chi cả, trong tâm, thật là một cõi tuyệt đối, vững chắc mãi mãi, tức là gương cảnh Tây phương Niết bàn vậy.

Nơi đó không còn thấy có cái sống của tứ đại sắc thân, không còn có trí não, mà là chỉ còn có cái tâm chơn như thôi. Đó là kết quả của công phu tu tập, là chỗ đến của con đường thứ hai bên trần thế, bên trần thế là con đường ác khổ, và chết thất bại. Còn bên cảnh Tây phương, Cực Lạc, Niết bàn là không ác không khổ, và không chết không còn thất bại ấy nữa.

Như vậy cảnh giới địa ngục là sắc thân ác khổ, chết và thất bại. Cảnh giới thiên đường là thức trí thiện vui, sống và thành công. Còn cảnh giới Niết bàn là chơn tâm tuyệt đối, bình đẳng sáng rỡ, không có chi chi cả. Ba mặt kiếng ấy, ba cảnh giới ấy, ba thế giới ấy, không phải ở nơi đâu cả, có thể nói là ở nơi cái ác, cái thiện, hay nơi cái chơn như của mỗi người hiện ra vậy.

Nó là kết quả của ta, nó sẽ đến cho ta, hoặc trong lúc sống, hay trong lúc chết, trong mọi lúc, có dời đổi, hay không dời đổi, là tùy theo nhơn nghiệp chen lộn. Đúng như vậy, chơn lý y như vậy, nên một khi ta xem nơi người sắp chết, họ buồn, họ sợ, họ lo, họ hoảng hốt, mê sảng, họ đau đớn, họ dữ dằn mà ta biết là họ sẽ đi về đâu, họ sẽ đi theo quả báo của nhơn nghiệp trong ba ác đạo, và họ sẽ bị đối chiếu trước gương nghiệt cảnh phản giác, lúc sau khi thác, họ bị trừng phạt của ảo ảnh, hoặc lâu mau, có khi cả ngàn năm, mà vẫn chưa tiêu tan cảnh địa ngục tư tưởng ấy, vì bởi họ quá mê muội; càng khổ, họ lại càng thêm tức tối, dữ hung lồng lộn, thì cái quái trạng của sự trừng trị nơi việc làm, không bao giờ tan mất, mà lại còn thêm mạnh mẽ, cứng chắc, lâu ngày thêm nữa.

Trước giờ chết, một kẻ vui mừng yên ổn, tỉnh táo êm ái hiền từ… thì tức là kẻ đó được gặp và ở cõi thiên đường, sự ở lâu nơi thiên đường là bởi nơi tâm an trụ, bằng tâm chẳng an trụ, có ngày xao động vọng tưởng ác, thì cảnh tốt đẹp ấy bị xen lộn rã tan, ắt là sa đọa có ngày té xuống. Một người mà có tu nhập định, giờ chết hay lúc sống y nhau không có mảy may gì thay đổi, tức là đắc Niết bàn rồi đó. Người ấy ở cảnh Niết bàn mãi được, là phải nhờ cái giác; sự giác ngộ gìn giữ chơn như, nên mới gọi là Phật được nhập Niết bàn. Bằng thiếu sự toàn giác, như bậc sơ giác, độc giác, hay đại giác, thì nhập định chưa bền lâu, ắt còn phải đi tu thêm hạnh tự giác, giác tha, ở trong đời để cho thành tựu sự giác mãn, tức là tu hạnh Bồ Tát, phải phát tâm đại bi, đại nguyện, hành cho đến khi toàn giác, thì bi nguyện tự nhiên mòn hết, mới gọi Như Lai đặng.

Như thế thì địa ngục là vô đạo, không đường đi tới, cảnh giới của chết trơ thất bại, như bị nhốt trói đứng ngừng, đọa phạt Thiên đường là thiện đạo bền dài đi tới. Còn Tây phương là cảnh nghỉ yên vô sự.

Ba danh từ ấy là ba kết quả của ba giáo lý, chớ không phải xa gần đâu cả, nhưng cũng xa là thật rất xa, cao là thật rất cao, gần là thật rất gần, thấp là thật rất thấp, thấy gặp là tự riêng của mỗi người, chẳng ai xúi bảo níu kéo dắt ai đi theo ai được.

Trích CHƠN LÝ của TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG!

Bài viết cùng chuyên mục

Quả báo đọa địa ngục Vạc dầu sôi

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục Cắt lưỡi rạch mép

Định Tuệ

Tại sao có lục đạo? Lục đạo từ đâu mà có?

Định Tuệ

Vòng luân hồi của đời người: Vì sao chúng ta phải sợ luân hồi?

Định Tuệ

Luân hồi là gì? Luân hồi có thật hay không?

Định Tuệ

Chuyện nhân quả: Siêu độ oan gia rắn

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục rút ruột – Địa ngục du ký

Định Tuệ

Ánh sáng màu sắc thấy ở giai đoạn Thân Trung Ấm

Định Tuệ

Có hay không việc luân hồi chuyển kiếp?

Định Tuệ

Viết Bình Luận