Có bốn hạng người ở đời đó là: Hạng người từ bóng tối đi vào bóng tối, hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng, hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng và hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng.
1. Bốn hạng người ở đời
Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả.
Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?”
Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
Cậu bé ấy, nghe câu trả lời của bố có chút suy luận như sau:
Bố của mình rất giàu có, nhưng tiền của bố là của bố, vì công khó nhọc do bố làm ra. Nếu như mình muốn có tiền và giàu có như bố, cũng phải thông qua lao động và cố gắng để có được.
Nghe xong câu trả lời của bố, cậu bé sẽ rất cố gắng để trở nên giàu có như bố mình. Quan trọng hơn hết là một loại giàu có về đạo đức tinh thần, sau sẽ giúp cậu bé hưởng lợi ích cả đời mà không sợ ai cướp mất.
Cũng câu hỏi này, ở một gia đình khác? Ông bố trả lời một cách tự hào và rất kiêu hãnh: “Nhà chúng ta có rất nhiều tiền con ạ và lớn lên tất cả những gì bố có sẽ thuộc về con, con khỏi phải lo?”.
Đứa bé sau nghe được câu trả lời đó của bố, sẽ đưa ra một nhận định như sau:
Bố mình là người giàu có, nhà mình có rất nhiều tiền.Tiền của bố mình chính là tiền của mình. Như vậy, mình không cần cố gắng học hỏi và làm việc vì đã có rất nhiều tiền rồi.
Người có đạo đức luôn tin nhân quả và sống không ỷ lại, nhờ vả van xin hay dựa dẫm bất kỳ một thế lực nào. Nên đã dạy cho con cái, cách sống tự lập và dấn thân bằng mồ hôi nướt mắt của chính mình.
Con người sinh ra trên cuộc đời này, có người được sống an vui hạnh phúc, có người lại chịu nhiều khổ đau bất hạnh, thiết nghĩ tất cả sự đau khổ hay hạnh phúc đều có sự tác động mật thiết của ý nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi người. Nếu ai biết thực hành những thiện pháp thì sẽ hưởng được đời sống an lành hạnh phúc, còn trái lại nếu thực hành những pháp bất thiện thì sẽ tự chuốc lấy khổ đau.
Như vậy, cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình quyết định, chứ không phải một ai khác can thiệp vào. Điều này được minh chứng qua lời dạy minh triết của Bậc Giác ngộ cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, lời dạy ấy được ghi lại trong kinh Tạp A Hàm thông qua cuộc đối thoại giữa Đức Thế Tôn và vua Ba Tư Nặc.
Kinh ghi chép rằng, một ngày nọ khi Đức Thế Tôn trú tại Kỳ viên Tịnh Xá, vua Ba Tư Nặc đến đảnh lễ bậc thầy tôn kính và thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những vị Bà-la-môn sau khi chết sẽ tái sanh trở lại dòng họ Bà la môn hay tái sanh vào nhà Sát lợi, Tỳ xá, Thủ đà la? để trả lời cho vấn đề này, Đức Phật đã nêu ra bốn hạng người ở đời: Thứ nhất, hạng người từ bóng tối đi vào bóng tối; thứ hai, hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng; thứ ba, hạng người từ ánh sáng đi vào bóng tối; thứ tư, hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng.
Bốn hạng người này được giải thích như sau:
Thứ nhất: Hạng người từ bóng tối đi vào bóng tối
Có những người sanh vào nhà thuộc dòng họ thấp hèn, như sanh vào nhà Chiên-đà-la, nhà người săn bắn, bắt cá, làm đồ tre, nhà người kéo xe và những nhà làm nghề nghiệp thủ công hạ tiện khác; bần cùng, đoản mạng, hình thể tiều tụy mà lại sống theo hạnh nghiệp thấp kém, cũng lại bị người hạ tiện sai khiến. Đó gọi là sanh ra trong bóng tối. Ở nơi bóng tối này, người ấy thân lại làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì những lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào ác xứ đọa lạc, rơi vào trong địa ngục. Giống như người từ bóng tối đi vào bóng tối, từ nhà xí đi vào nhà xí, lấy máu rửa máu, bỏ ác lấy ác. Người từ bóng tối đi vào bóng tối cũng lại như vậy, cho nên gọi là từ bóng tối đi vào bóng tối.
Thứ hai: Hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng
Những người sanh vào gia đình thấp hèn cho đến bị người sai làm những điều hèn hạ. Như vậy gọi là sanh ra trong bóng tối. Nhưng người sống nơi bóng tối này, thân luôn làm việc lành, miệng thường nói lời lành, ý nghĩ đến điều lành; vì những lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được tái sanh vào đường lành, được hóa sanh cõi trời. Ví như người từ đi kiệu lên cưỡi ngựa, từ cưỡi ngựa tiến lên cưỡi voi; người từ bóng tối đi ra ánh sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng.
Thứ ba: Hạng người từ ánh sáng đi vào bóng tối
Có người hiện đời sanh vào những gia đình giàu sang khoái lạc thuộc dòng họ Sát-đế-lợi, dòng họ Bà-la-môn, dòng họ Trưởng giả, cũng như sanh vào những gia đình giàu có khoái lạc khác, có nhiều tiền bạc, của cải, nô tỳ, người sai khiến, thường nhóm họp quyến thuộc, thân tướng đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đó gọi là sinh ra từ ánh sáng. Nhưng từ nơi ánh sáng này, thân người ấy lại luôn làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục. Giống như có người từ lầu cao, xuống cưỡi voi lớn, từ voi lớn xuống cưỡi ngựa, từ cưỡi ngựa xuống đi xe, từ xe xuống ngồi giường, từ giường bước xuống đất, từ đất rơi xuống hầm hố. Người từ ánh sáng đi vào bóng tối lại cũng như vậy.
Thứ tư: Hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng
Có người sanh vào nhà giàu sang vui vẻ,… cho đến hình tướng đoan nghiêm. Đây gọi là sanh ra từ ánh sáng. Từ nơi ánh sáng này, người ấy thân luôn làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Vì lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào đường lành, được hóa thân vào cõi trời. Giống như có người từ lầu quán đến lầu quán;… cho đến từ giường đến giường; hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là từ ánh sáng đi vào ánh sáng.
Từ dẫn chứng của kinh văn, chúng ta có thể nhận biết nơi an trú của chính mình. Nghĩa là, chúng ta tự biết rõ nhất về hành nghiệp của chính mình, mình đang đi trong bóng đêm, hay đi trong ánh sáng.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng tự biết rằng, đời sống của chúng ta ở hiện tại cũng như vị lai là do chính mình quyết định. Hay nói cách khác, đời sống thanh cao hay hạ liệt của mỗi người đều do nghiệp của chính họ tạo tác ra, thông qua sự huân tập hằng ngày của ý thức, lời nói và việc làm.
“Các loài hữu tình vừa là chủ nhân của nghiệp, vừa là kế thừa nghiệp, nghiệp là thai tạng từ đó họ sinh ra, họ là quyến thuộc của nghiệp, vừa là cư trú trong nghiệp của mình. Nghiệp phân chia các loài hữu tình thành các hạng hạ liệt và ưu thắng”. (Thích Minh Châu, Trung Bộ kinh tập III-481, VNCPHVN –2001). Nhưng trong Phật giáo ý thức luôn là chi phần đầu có tác dụng đưa đẩy làm sinh khởi hành động và lời nói. Chính vì thế, chúng ta cần thanh lọc và chuyển hóa những tâm thức bất thiện, luôn tưới tẩm hạt giống thiện, để hạnh phúc có mặt trong ta, quanh ta ngay trong đời sống này.
Ngoài ra, qua lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta phải ý thức được rằng, đời sống của mỗi người có hạnh phúc và thánh thiện hay không, không nằm ở sự nguyện cầu van xin, hay dựa dẫm vào một thế lực thần linh nào khác, hay ước vọng một sự che chở nào của thế lực bên ngoài, mà ở chính sự tu tập của chính mỗi người, nếu mỗi người biết tu tập chuyển hóa những nghiệp ác thành nghiệp thiện. Vì, nghiệp quyết định vận mệnh hiện tại của mỗi người và nghiệp cũng làm thay đổi vận mệnh hiện tại của con người và quyết định vận mệnh tương lai của người ấy, và nên ghi nhớ rằng: Không phải do sinh trưởng mà một người trở nên cao quý hay hạ tiện, mà do nghiệp hay hành động có tác ý khiến người ấy trở nên cao quý hay hạ tiện.
Quan điểm này của Đức Phật cho thấy cái nhìn mới mẻ của Ngài về con người và giá trị của con người, hơn hết là giá trị về một con đường hướng thượng. Như vậy, con đường hướng thượng, là con đường tu tập chuyển hóa những nghiệp nhân bất thiện, hướng đến sự đoạn tận khổ đau, đạt đến quả vị giải thoát. Con đường hướng thượng ấy, mỗi người là chủ nhân của chính mình và phải tự mình cất bước.
2. Con đường đi đến ánh sáng
Căn bản của việc thay đổi đời sống hướng về bóng tối hay ánh sáng là do hành vi tạo tác thiện hay ác của ba nghiệp. Thế nào là thiện, thế nào là ác?
Kinh Thập thiện, Phật dạy 10 điều thiện đó là: Thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; miệng không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời thô ác; ý không tham lam, sân hận, si mê. Ngược lại là 10 điều ác. Còn về bản chất thì nghĩ, làm, và nói điều gì có lợi cho mình, cho người là thiện. Cái gì mà hại mình, hại người là việc ác. Tùy mức độ nặng nhẹ của nghiệp thiện ác mà tạo ra nghiệp lực dẫn dắt ta đi về nẻo đường nào trên xa lộ cuộc đời, đời này và những đời sau.
Xuất phát điểm của chúng ta ở trong bóng tối hay ánh sáng đương nhiên vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thái độ chúng ta tiếp thọ nghiệp như thế nào để được tự tại cho dù hiện báo chúng ta đang chịu đau khổ hay đang hưởng an vui. Có khổ, nhưng tu là chuyển nghiệp. Người biết tu tập thì trong hoàn cảnh nào cũng tự tại vì họ biết chấp nhận nghiệp và biết cách giải quyết (chuyển nghiệp).
Nhưng đó đều là lý thuyết. Áp dụng thế nào? Chúng ta thử quán chiếu xem hiện tại chúng ta đang ở đâu và đang đi về đâu, bóng tối hay ánh sáng? Nếu chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một điều kiện tốt, được giáo dục đường hoàng, lại được gặp các bậc thiện tri thức dẫn dắt, chúng ta rất dễ để tiếp tục thăng hoa trên con đường ánh sáng. Kém phước hơn, chúng ta sống đủ đầy về vật chất, nhưng lại nghèo thiếu về tri thức và hướng đi, hay vướng phải những gian lao của danh dự lợi dưỡng, kết duyên với thầy tà bạn xấu, thì chuyện bị sa đọa và đi vào nẻo tối tăm thật không dễ gì tránh khỏi nếu bản thân không tự thức tỉnh hay được người khác dẫn lối.
Còn phúc mỏng nghiệp dày, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn trăm bề, quanh năm cơ cực chỉ mong có đủ miếng ăn, có khi lại tật ách, tai ương… thì biết đi đâu, về đâu để thoát khỏi chiếc mê cung cuộc đời. Đau khổ, nghèo khó, túng quẫn thì con người ta dễ sinh tâm ích kỉ, tham lam, bỏn sẻn, lại ít có điều kiện để tạo phước, giúp đỡ người khác, nên đôi khi đã ở bóng tối lại cứ mãi quẩn quanh trong bóng tối, tất nhiên không phải là tất cả vì đâu đó chúng ta vẫn thấy những tấm gương vượt khó, vượt lên hoàn cảnh, thành công và sống có ý nghĩa cho đời, nhưng chỉ là số ít. Còn lại, họ là những người rất cần được giúp đỡ, cả về vật chất lẫn tinh thần và nhận thức, để vươn mình lên, chuyển hóa nội tâm, biết tu tập, hướng thiện và hướng đến ánh sáng.
Còn nhiều trường hợp chúng ta phải chịu nhiều cái bất như ý, biết rõ nghiệp nhân quá khứ sâu dày, đang nỗ lực tu tập chuyển nghiệp nhưng vẫn chưa thoát ra ngay được, vẫn phải chịu những khổ đau, dày vò như thân mang tật bệnh hay các chuyện tai ương, làm việc gì cũng không thành tựu. Có khi chúng ta nản lòng, thối chí. Có khi chúng ta than rằng đã cố gắng hết sức rồi mà không thể thay đổi tình trạng, muốn bỏ cuộc. Nhưng Phật đã dạy rất hay trong kinh Tăng Chi: “Này các Tỳ kheo, ví như có người bỏ nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muối trở thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông Hằng, khối nước ấy rất lớn không vì nắm muối này mà trở thành mặn và không uống được.” Nắm muối dụ cho nghiệp xấu ác, nước dụ cho nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Cội phúc chưa sâu dày mà đã vội nản lòng thối chí thì có khác nào đem nắm muối bỏ vào chén nước, mặn chát. Nên, người biết tu tập tinh cần thực hành mười điều thiện, bố thí, cúng dàng, trì giới, phóng sinh… Nghe có vẻ lớn lao nhưng thực ra tất cả đều thâu trọn trong tam nghiệp. Trong tam nghiệp thì ý nghiệp làm chủ. Do vậy, căn cốt của việc tu tập là từ ngay nơi ý thức của mình, chuyển hóa nội tâm, quyết tâm chừa bỏ cho được những thói hư tật xấu, gạn đục khơi trong, chính niệm, tỉnh giác trong từng sát na tâm niệm để dòng sông thiện pháp nuốt trọn nắm muối như nắm muối chưa từng được tồn tại, dòng nước vẫn trong mát, ngọt thanh.
Kinh Pháp cú số 1 và 2, đức Phật dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.”
(HT. Minh Châu dịch)
Nghiệp của chúng ta do chính chúng ta tự tạo, nên muốn chuyển nghiệp cũng phải từ nỗ lực của bản thân ta. Không có ai làm cho chúng ta ô nhiễm, cũng không có ai làm cho chúng ta thanh tịnh, chỉ có chúng ta tự tịnh lấy tâm ý của mình. Nghiệp nằm trong tầm tay của chúng ta, quan trọng là chúng ta có dang tay ra chấp nhận và chuyển nghiệp trong từng sát na tâm niệm hay không. Tâm chuyển thì cảnh chuyển. Muốn giải thoát mọi trầm luân trước tiên phải gỡ những mối dây ràng buộc trong tâm, cho nó được tự do, tự tại. Khi đó, ta có thể thấy tự do là ung dung trong ràng buộc, và hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau. Trong 4 hạng người ở trên, nếu không thể là người đi từ ánh sáng đến ánh sáng thì hãy là người đi từ bóng tối đến ánh sáng, và đem ánh sáng lan tỏa, soi đường cho kẻ đang đi về bóng tối.
Tâm Hướng Phật/TH!