Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Người keo kiệt bủn xỉn phải chịu quả báo khổ vô cùng

Keo kiệt bủn xỉn là nhân chính đọa vào loài quỷ đói, khiến cuộc sống nghèo hèn trong muôn kiếp về sau. Cho nên, dù bạn giàu có hay trung lưu, cũng xin đừng tham lam keo kiệt.

Người keo kiệt bủn xỉn thường chỉ muốn thâu hết tiền của trong thiên hạ vào trong túi của mình, tuyệt chẳng muốn chi một cắc nhỏ cho ai. Có kẻ bủn xỉn đến mức ngay cả sắm sửa vật cho mình cũng chẳng chẳng dám chi tiêu. Nếu buộc phải chi ra một tiền ắt càu nhàu gắt gỏng, tâm như có lửa thiêu đốt ở bên trong. Ngồi trên đống tài sản mà cam phận hèn mọn, ăn mặc tằn tiện, thật đáng xót thương!

Keo kiệt bủn xỉn nhà Phật gọi là “Xan Tham”. Phàm phu mê muội tà vạy bởi vì xan tham là gốc rễ. Vì lẽ đó điều thiện ít ỏi như mảy tóc, mà điều ác sâu nặng như núi cao; phước đức ít như băng mỏng mùa Xuân, mà nghèo túng nhiều như mưa dầm mùa Thu. Những kẻ keo kiệt không bố thí, sau khi chết sinh làm quỷ đói, trải nhiều đời kiếp không được nghe đến tên gọi thức ăn nước uống, nói gì đến việc được ăn uống, nỗi khổ đó thật khôn cùng.

Bạn thân mến! Keo kiệt bủn xỉn là nhân chính đọa vào loài quỷ đói, khiến cuộc sống nghèo hèn trong muôn kiếp về sau. Cho nên, dù bạn giàu có hay trung lưu, cũng xin đừng tham lam keo kiệt. Nên giúp đỡ thân gia quyến thuộc, hoặc bố thí chút ít cho những người nghèo khổ. Bởi bố thí là nhân của giàu có và cho đi là còn mãi. Một miếng ăn ta hoan hỉ giúp người qua cơn đói hôm nay, sẽ là cứu cánh cho ta trong nhiều đời nhiều kiếp vậy!

1. Người keo kiệt bủn xỉn chịu quả báo đọa vào Địa Ngục

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm: “Xưa thời Đức Phật tại thế, ở trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Bà Đề, ở nhà rất giàu có vô số tài sản, vàng bạc không thể nào tính được. Người ấy tuy giàu nhưng bủn xỉn giữ gìn không dám ăn, không dám mặc; quần áo sử dụng, đồ ăn thức uống rất là nghèo nàn sơ sài; cũng không bề bố thí cho vợ con, quyến thuộc, nô tỳ, tôi tớ, bạn bè quen biết và các vị Sa môn, Bà-la-môn… một thứ gì. Lại dấy lên tà kiến đoạn mất thiện căn.

Ông không có con nối dõi. Sau khi mạng chung tất cả tài sản châu báu đều sung vào của công. Vua Ba Tư Nặc tự mình đến nơi thu nhận tài sản. Thu nhận xong lại đi đến chỗ Đức Phật, bèn thưa với Đức Phật rằng: Trưởng giả Bà Đề sau khi mạng chung thì sanh đến chỗ nào?

Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Trưởng giả Bà Đề phước vốn có đã hết mà không tạo những thiện nghiệp mới. Bởi vì dấy khởi tà kiến đoạn mất thiện căn, cho nên mạng chung rồi sanh vào địa ngục khóc nỉ non.

Nhà vua nghe vậy đau lòng rơi nước mắt mà thưa rằng: Trưởng giả Bà Đề, xưa gây ra nghiệp gì mà sanh vào nhà giàu có. Lại gây ra điều ác gì mà không được hưởng sự vui sướng như vậy?

Đức Phật bảo với nhà vua: Quá khứ lâu xa có Đức Phật Ca Diếp, sau khi Ngài nhập Niết bàn, thì Trưởng giả này sanh trong nước Xá vệ, làm con một người làm ruộng.

Một hôm có vị Bích chi Phật đi đến nhà ấy. Bấy giờ Trưởng giả này liền mang cơm và thức ăn bố thí. Vị Bích chi Phật xin được thức ăn liền bay lên hư không mà đi. Trưởng giả trông thấy rồi phát ra thệ nguyện rằng: Giữ thiện căn này khiến cho con đời đời sinh ra những nơi có nhiều tài sản châu báu, không rơi vào ba đường ác. Bố thí rồi sau đó lại sinh tâm hối tiếc, tự nghĩ: Thức ăn trước đây mình nên cho nô tỳ tôi tớ, không nên cho Sa môn trọc đầu.

Đức Phật bảo với nhà vua: Trưởng giả Bà Đề nhờ công đức bố thí thức ăn cho vị Bích chi Phật, nên sanh ra luôn luôn có nhiều tài sản châu báu, không thiếu hụt thứ gì. Vì sau khi bố thí lại sinh tâm hối tiếc cho nên ở những nơi sinh ra, tuy cuộc sống giàu sang, nhưng không được hưởng sự vui sướng rất giàu có như vậy. Keo kiệt tiếc rẻ giữ gìn kỹ càng, không tự mình ăn mặc sung túc, lại không bố thí cho vợ con quyến thuộc, cũng không bố thí cho bạn bè quen biết và các vị Sa môn-Bà-la-môn…

Vì vậy người trí, nghe nhân duyên này, nếu có tài vật thì cần phải bố thí chớ sinh lòng keo kiệt bủn xỉn. Lúc bố thí chí tâm tự tay mình chân thành đưa cho. Bố thí rồi hoan hỷ đừng sinh tâm niệm hối tiếc. Có thể bố thí như vậy thì cảm được quả báo to lớn vô lượng vô biên”.

2. Truyện cổ Phật giáo: Quả báo của sự keo kiệt

Ở miền Nam Ấn Độ, cách thành Vương Xá không xa có một khu rừng trúc u nhã, yên tịnh tên là Ca Lan Đà. Trúc trong rừng ấy vừa cao vừa rậm rạp, bao quanh một khu tinh xá lớn và tráng lệ, do vua Tần Bà Sa La xây dựng và cúng dường đức Phật.

Đó chính là tinh xá Trúc Lâm, là nơi đức Phật cùng rất đông đệ tử của Ngài cư ngụ, và cũng là nơi mà đức Phật thường giảng kinh thuyết pháp cho rất nhiều người nghe.

Hai vị đệ tử thượng thủ của Ngài là ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên, trước khi dùng cơm lần nào cũng vận dụng thần thông “từ bi” (thần thông này do lực từ bi mà có) để quán sát các chúng sinh đang chịu khổ trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, xem có cơ duyên nào cứu độ họ được hay không, rồi mới dùng cơm.

Có một lần tôn giả Mục-kiền-liên quan sát thế giới ngạ quỷ, thấy có một ngạ quỷ rất đáng thương. Thân nó giống như cây cột cháy, bụng thì to như gò núi, hễ đưa bất cứ thứ gì lên miệng thì thứ ấy lập tức biến thành những cây kim bằng sắt. Đã thế mà còn thường khạc ra lửa khói, tự đốt cháy mặt mày, tóc tai thì cứng như dao kiếm, suốt ngày khóc lóc kêu than, đói khát muốn chết, thế mà một giọt nước cũng không nuốt được, vì hễ đưa nước lên tới miệng thì nước liền biến thành máu, không uống được.

Thấy tình cảnh ngạ quỷ thống khổ như thế, Mục-kiền-liên mới tiến đến trước mặt nó hỏi:

– Ngươi đã tạo nên nghiệp tội gì mà bây giờ phải chịu khổ như thế này?

– Bạch Tôn giả, nơi nào có mặt trời chiếu thì không cần thắp ngọn đèn dầu leo lét. Trí huệ đức Phật như kính sáng, có thể chiếu rọi chúng sinh trong mười phương. Bất kỳ người nào tạo nghiệp tội trong quá khứ, hiện tại và vị lai cũng được kính trí huệ của Ngài soi rõ, không thiếu sót mảy may nào. Tôi đã tạo tội ác gì, ngài có thể thưa hỏi đức Phật thì rõ. Bây giờ tôi quá đói khát, không trả lời cho ngài được, xin ngài thứ lỗi.

Ngạ quỷ nói với ngài Mục-kiền-liên như thế xong, lại tiếp tục rên rỉ kêu than. Tôn giả Mục-kiền-liên liền đi tìm đức Phật bái kiến.

Lúc ấy đức Phật đang thuyết giáo nghĩa cứu cánh cho các tỳ-kheo, thấy dáng điệu vội vàng của ngài Mục-kiền-liên liền hỏi:

– Mục-kiền-liên, ông có việc gì mà cuống quýt lên như thế?

– Vâng, bạch Thế Tôn! Con có một điều không giải quyết được, nên tới đây thỉnh Thế Tôn khai thị.

Đức Phật từ bi trả lời:

– Có chuyện gì ông cứ nói.

– Vừa rồi con quán sát trong địa ngục có một ngạ quỷ thân thể bị cháy sém, cổ họng như lỗ kim, bụng to như cái thùng, không ăn được bất cứ món gì, không ngừng đi lùng kiếm thức ăn, nhưng cứ hễ đưa thức ăn lên miệng thì thức ăn biến thành kim sắt. Ngạ quỷ này đã làm nên tội gì mà phải thọ một quả báo như vậy, cúi xin Thế Tôn thuyết giải cho chúng con rõ.

Trước khi Mục-kiền-liên bắt đầu kể, đức Phật đã biết rõ chuyện gì xảy ra, nên mới thuận theo cơ duyên này mà nói với các đệ tử trong pháp hội:

– Các ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ nói cho các ông rõ.

Cách đây rất lâu trong thành Xá Vệ, có một người rất giàu có, làm nghề ép mía lấy nước ngọt bán. Công việc làm ăn thịnh vượng, trong nhà tấp nập công nhân thợ thuyền. Lúc ấy có một vị Bích Chi Phật, vì muốn hóa độ tất cả chúng sinh nên thị hiện chứng bệnh hay khát nước. Có một người khuyên ngài nên uống nước mía ép, vì thế ngài bèn đến nhà ông nhà giàu nọ xin nước mía uống.

Người này thấy có Bích Chi Phật đến, sinh lòng cung kính, hoan hỉ cúng dường nước mía cho ngài. Nhưng ông có việc gấp phải đi ra ngoài, không thể tự tay cúng dường, bèn giao việc này cho bà vợ và căn dặn rằng: “Bà hãy thay tôi đem nước mía lên cúng dường Bích Chi Phật.” Bà vợ trả lời: “Vâng, tôi đem lên liền.”

Ông nhà giàu đi rồi, bà vợ bèn nghĩ: “Nước mía rất quý, từ trước đến nay nhà ta chưa bao giờ đem cho ai uống không. Nếu hôm nay cho ông này uống, sau này sẽ có nhiều người đến xin nữa.”

Tâm keo kiệt phát khởi, bà lén thi hành độc kế bằng cách lấy một cái bát bằng sắt, đổ nước dơ uế vào rồi mới đổ một chút nước mía lên trên, xong bưng lên đưa cho Bích Chi Phật uống. Vị Bích Chi Phật đón lấy cái bát, biết ngay việc làm tội lỗi của người đàn bà, nên đổ những món bẩn thỉu trong bát xuống đất, lấy nước rửa bát sạch sẽ rồi bỏ đi.

Không lâu sau, mạng sống người của đàn bà keo kiệt chấm dứt, đọa xuống làm ngạ quỷ, thường bị đói khát và bị lửa nghiệp đốt thân. Nghiệp khổ này còn phải kéo dài đến 90 ngàn năm nữa mới hết.

Đức Phật thuyết xong nhân duyên của người đàn bà keo kiệt bị đọa xuống làm ngạ quỷ, khiến tứ chúng trong pháp hội đều kinh hãi từ bỏ tính keo kiệt tham lam, ghê sợ chuyện sinh tử, ai cũng chứng được quả thánh, hoan hỉ tán thán rồi lui ra.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghiệp sát sinh chiêu cảm Thiên tai, dịch bệnh

Định Tuệ

Tội báo tà dâm: Khi chết chịu khổ trong địa ngục, súc sinh

Định Tuệ

Ăn thịt chướng ngại thiện chung – Báo ứng hiện đời tập 1

Định Tuệ

20 Khẩu nghiệp mà chúng ta tuyệt đối nên tránh

Định Tuệ

Thế giới có chiến tranh vì nghiệp giết hại quá nặng

Định Tuệ

Nghiệp báo là gì? Làm sao để hết nghiệp sanh tử?

Định Tuệ

Cháu nội hỗn xược: Nguyên nhân và cách trị

Định Tuệ

Lý giải vận hạn khi làm nhà theo góc nhìn nhân quả

Định Tuệ

Phóng sanh công đức thù thắng, được phước báo to lớn

Định Tuệ

Viết Bình Luận