Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Lợi ích của bố thí: Câu chuyện Nhờ bố thí mà giải được tội

Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.

1. Nhờ bố thí mà giải được tội

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng , theo chuyện kể thì ông là người châu Đại Phố (tức Cù lao Phố), huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam (nay là Biên Hòa, Việt Nam). Theo Đại Nam nhất thống chí, ông có tên Võ Hữu Hoằng. Nhưng có nơi gọi là Thủ Huồng, Thủ Hoằng, Võ Thủ Hoằng.

Khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.

Thủ Huồng rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông vì ông phạm tội ăn cắp.

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng sợ bị đọa vào địa ngục, liền đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo tránh nước triều dâng ở ngã ba sông.

Sách Gia Định thành thông chí có ghi:

“Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh tên là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ… Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Chiếc cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất. Khá lâu sau, có ông vua nhà Thanh (Trung Hoa) tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.

2. Hiểu đúng về lợi ích của bố thí, cúng dường

a. Bố thí, cúng dường là việc nên thực hiện thường xuyên

Lợi ích bố thí, cúng dường không hiển lộ rõ ràng để chúng ta có thể tính toán, đong đếm nhưng trong đời sống hàng ngày, nhớ phải tích lũy nhiều công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Hãy thử nhìn những tấm gương của rất nhiều người chăm chỉ, cần mẫn, tài năng đấy nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Đó là vì thiếu công đức.

Cuộc sống này tuân theo quy luật Nhân Quả mà chúng ta khó có thể giải thích cặn kẽ, rõ ràng, có những việc ta tưởng là tốt nhưng lại gây hại, nên đừng cho rằng mình là người tốt rồi vì ở khía cạnh nào đó bạn đã sai lầm mà bạn không biết.

Như người Tây Tạng cúng đèn bơ, đợi khi bơ hư mốc không ăn được nữa mới mang ra làm đèn cúng Phật là không được. Cúng Phật như vậy không những không được công đức mà lại còn gieo nhiều ác nghiệp. Do đó, những thứ mang lên bàn thờ thường là món thanh sạch nhất, tươi nhất. Nên thôi đừng suy diễn về việc mình tốt rồi, thay vào đó bạn nên học cách giúp đỡ nhiều hơn, vì chỉ khi chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.

b. Cúng dường, bố thí phải xuất phát từ tâm

Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm cầu mong Tam Bảo hộ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia… cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo như vậy sẽ làm hao tổn công đức. Việc có nhận được công đức của việc cúng dường hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường.

Lợi ích bố thí, cúng dường đạt được cao nhất khi chúng ta cho đi không suy tính, không mong được nhận lại, chỉ đơn giản là muốn ai đó đạt được lợi ích gì đó mà thôi. Mọi việc không quá khó khăn vì bạn có thể hỗ trợ ai đó trong khả năng của mình, không nên quá sức mà ảnh hưởng tới chính bản thân mình vì khi đó tâm không an, lợi ích đã tiêu tan gần hết.

Chúng ta là người ngụp lặn trong sinh tử luân hồi mà lại không hiểu về khổ đau của sinh tử luân hồi, không biết gì về khổ nạn của chính mình. Khi cúng dường, chí ít phải cúng dường bằng cái tâm cầu thoát sinh tử luân hồi, được vậy công đức mới đủ mạnh.

Như lời Tổ Đạt-ma: “Người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy, do sự hiểu biết nông cạn của mình nên chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ? Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, mê muội, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, lập lờ.”

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Bà ngoại vãng sinh Cực Lạc báo mộng cho cháu gái

Định Tuệ

Oan gia du hồn đầy trên đĩa thức ăn gà vịt thịt cá

Định Tuệ

Hiện thế báo của tà dâm – Trích Báo ứng hiện đời

Định Tuệ

Chối bỏ vợ con để theo bồ nhí nhận quả báo thê thảm

Định Tuệ

Vì sao có người tâm địa độc ác nhưng vẫn giàu có?

Định Tuệ

Cúng dường hai xu muối hơn vàng bạc châu báu

Định Tuệ

Nhân quả thông ba đời, chân tướng sự thật này chúng ta phải biết

Định Tuệ

Trộm cắp đồ vật của Tam Bảo tạo nghiệp gì?

Định Tuệ

Những ai chết sẽ phải đọa vào địa ngục?

Định Tuệ