Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Hiểu rõ về luật nhân quả để có một cuộc sống bình an, ý nghĩa

“Nhân” nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống. “Quả” là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có.

1. Số mệnh do chính mình nắm giữ

Phật dạy: “Muốn biết quá khứ hay tương lai của một người chỉ cần nhìn những điều người đó đang nhận hoặc đang làm ở hiện tại là có thể biết được”. Qua quy luật nhân quả, Phật dạy ta biết rằng, vận mệnh là do tự bản thân mỗi người nắm giữ, quyết định chứ không phải do thế lực nào tạo nên. Mình tự gieo nhân thì tự gặt lấy quả, tùy theo thiện ác nhiều ít nên có khác nhau.

Quan điểm này hoàn toàn khác với bói toán hay tướng số, tức “thuyết định mệnh” hoặc “thuyết túc mệnh” cho rằng vận mệnh là do trời định không thể thay đổi. Từ quan niệm nhân quả của Phật chúng ta có thể thấy, những việc hiện tại chúng ta đang nhận là do “nhân” đã trồng trước đây tạo ra. Nhân muốn hình thành nên quả thì ở giữa phải có duyên tức điều kiện.

“Nhân” đã tạo ra trong quá khứ thì không thể thay đổi được. Cái có thể thay đổi chính là “duyên”, điều kiện để tạo ra kết quả. Nói cách khác, kiếp trước ít nhiều đều làm điều xấu nhưng kiếp này từ bỏ điều xấu làm việc thiện thì ác duyên sẽ đứt. Nhà Phật khuyên người ta cách thay đổi vận mệnh một cách tích cực và sẽ nhận được phước báo.

Quả báo chia làm hai kiểu, thứ nhất là báo ứng chính và báo ứng phụ thuộc. Một người có tượng mạo đẹp xấu, thọ trường hay đoản mệnh, vận mệnh giàu hay nghèo là thuộc báo ứng chính. Môi trường xã hội tốt hay xấu, hoàn cảnh gia đình tốt hay xấu, con cái người thân tốt hay xấu là báo ứng phụ thuộc.

Về căn bản, Phật pháp nói cho ta biết lí do hình thành nên tướng và mệnh, tức công nhận có tướng và mệnh nhưng không khuyến khích người ta xem tướng, xem bói. Bởi tướng và mệnh ấy ở mỗi con người dù có xem có đoán thì cũng đã như vậy, không xem không đoán thì nó cũng đã như vậy. Chỉ có thay đổi từ gốc rễ, thay đổi nhân duyên thì mới chuyển biến, thay đổi được kết quả.

Việc chuyển biến này lại phải xuất phát từ tâm địa của mỗi người, “tâm địa” là mảnh đất tâm hồn, trong đó gieo những hạt thiện ác, sinh trưởng mầm thiện ác, cuối cùng kết thành quả thiện ác.

Phật dạy rằng tất cả đều do tâm mà sinh tạo ra, nên muốn thay đổi mình thì trước hết phải chú ý đến tâm niệm của bản thân. Vì vậy, tâm có thể tạo ra nghiệp cũng có thể chuyển nghiệp, phúc báo họa báo đều do con người tự tạo ra, đức năng thắng số, tướng tùy tâm chuyển là ý như vậy.

Nếu tâm tốt mệnh cũng tốt thì phú quý đến già, những người này được cho là thiện căn và phúc đức trước đây đều tương đối dày, nay thiện duyên lại gặp nên hưởng thụ đại phú đại quý. Nhưng họ lại tin vào nhân quả nên coi trọng đạo đức, liêm khiết công bằng, thích bố thí cứu bần, tích cực gieo thiện nhân nên không chỉ phú quý đến già mà con cháu cũng thành đạt, xum vầy êm ấm.

Nếu mệnh tốt mà tâm không tốt thì phúc biến thành tai họa, những người này trước đây có thiện căn phúc đức nay được hưởng phú quý vinh hoa. Nhưng khi được hưởng điều phú quý ấy thì lại tham lam ngũ dục, lợi dụng quyền lực, hại người lợi mình tạo ra nhiều ác nghiệp nên phú quý càng lớn thì ác nghiệp cũng càng nặng.

Nếu phúc ấy báo ứng đã hết luân chuyển đến ác báo thì không chỉ thân bại danh liệt mà gia đạo cũng gặp nhiều biến cố, không được êm ấm hòa thuận. Tâm có thể chuyển nghiệp nên mệnh có tốt đến mấy nhưng tâm không tốt thì phúc báo mĩ mãn sẽ chuyển thành tai ương bi thảm.

Nếu tâm tốt mà mệnh không tốt thì họa chuyển thành phúc, những người này trước đây tạo nghiệp ác nay nghiệp ác ấy đã gặp duyên nên bị ác báo. Nhưng do có tâm tốt, làm nhiều điều tốt nên được hạnh phúc vui sướng.

Nếu tâm và mệnh đều không tốt thì tai ương và nghèo đói: những người này trước đây làm nhiều điều xấu, gặp nhiều tai ương nhưng nay không biết hồi tâm chuyển ý phạm nhiều sai lầm nên nghèo khó suốt đời, tai ương không ngớt.

Tâm có thể chuyển được mệnh thì điều quan trọng nhất là phải tích nhân đức, mệnh được tạo ra từ tâm nên những việc tốt xấu đều do con người tự tạo ra, tin vào mệnh mà không tu tâm thì hiểm nguy cũng cận kề. Phật dạy cho người ta sống tốt hơn, cũng răn dạy để con người tự hoàn thiện bản thân, làm người có ích cho xã hội, biết quan tâm chia sẻ để xã hội ngày một tốt hơn.

2. Sống theo luật nhân quả

Luật nhân quả là quy luật bất di bất dịch của vũ trụ được Đức Phật phát hiện sau khi thành Chánh Quả dưới cội Bồ Đề. Chính quy luật nhân quả đã phá tan những ý niệm sống về thần quyền, cho rằng có một đấng toàn năng đủ sức để ban phước giáng họa, điều khiển cuộc sống của con người.

Khi biết, hiểu và sống theo luật nhân quả, bạn sẽ làm chủ cuộc sống của mình, biết cách chuyển hóa những khổ đau đúng Chánh pháp cũng như nắm giữ được vận mệnh trong tay mình.

Vạn sự vạn vật nói chung đều vận động theo sự chi phối của luật Nhân quả, chính xác là Nhân-duyên-quả. Với con người, quy luật Nhân-duyên-quả vận động và hình thành nên đời sống của một cá nhân gọi đủ là Nhân quả-Nghiệp báo. Tạo nghiệp nhân tốt ắt sẽ được nghiệp quả lành. Ngược lại, gieo nghiệp nhân xấu ắt sẽ gặt quả báo ác.

Sống theo nhân quả mang đến những lợi ích gì?

Chủ động, tích cực, tự tin

Cuộc đời chúng ta hiện tại là sự biểu lộ ra thành quả của những nhân tốt xấu trong quá khứ. Thế nên muốn tiến bộ, muốn tương lai tốt đẹp thì ngay trong hiện tại chúng ta phải gieo trồng những nhân tốt. Chúng ta không thể đổ lỗi, đổ thừa cho hoàn cảnh, cho thần thánh, cho người khác. Anh đã gieo thì anh phải gặt. Và anh muốn gặt thứ gì thì hãy gieo thứ ấy. Sự lạc quan, yêu quý đời sống, quý trọng thời gian là do tin và sống theo nhân quả. Tương lai không phải là mơ ước viễn vông, tương lai nằm trong những việc làm (hành động tốt xấu, nghĩa là nghiệp tốt xấu) ngay trong giây phút này.

Tin nhân quả làm chúng ta an tâm. Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của một cuộc đời là do nhận thức được và sống theo nhân quả. Và mọi lộn xộn, thậm chí hỗn loạn của đời sống một cá nhân hay của xã hội đều là do thiếu nhận thức về nhân quả và không sống theo nhân quả.

Tự do và bình đẳng

Với định luật nhân quả, tôi bình đẳng với mọi chúng sanh trong sự thăng tiến của tôi. Đó là sự bình đẳng tuyệt đối: không ai ăn gian, hối lộ, làm đồ giả, nịnh nọt, bợ đở đối với nhân quả được. Nhân quả khiến tôi bình đẳng trước mọi cơ hội để tiến bộ, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhân quả làm tôi trở thành nhà điêu khắc, kiến trúc sư cho cuộc đời tôi và là người kế thừa duy nhất mọi hành động tốt xấu của tôi. Đây là sự tự do tôi có được. Tự do lựa chọn, tự do hành động và tự do xây dựng cuộc đời tôi.

Nhân-duyên-quả là quá trình tương tác, vận động khách quan của vạn pháp. Các đấng thần linh không thể can thiệp vào tiến trình này. Ngay cả Đức Phật, với tuệ giác vô thượng đã phát hiện ra quy luật nhân quả nhưng cũng chỉ dạy rõ về tiến trình ấy để mỗi người tự quyết định nhân quả thiện ác cho mình mà Ngài cũng không thể chi phối hay can thiệp vào.

Không lo sợ

“Không có điều gì có thể xảy ra với mình, nếu nơi mình không có điều đó”. Đây là một phát ngôn khôn ngoan của Phật giáo. Không có quả nào có thể xảy ra với tôi, nếu tôi không có nhân quả đó. Người Phật tử sống cuộc đời không lo sợ như vậy. Còn nếu nó (quả xấu ấy) xảy ra thì sao? Thì hãy ráng chịu đựng, nhẫn nhục bởi vì mình đã có nhân cho quả ấy và nay nhân đang trổ thành quả. Đầu ra tệ thế này bởi vì đầu vô đã từng bết lắm. Trách ai nữa, ngoài mình? Và hãy rút kinh nghiệm, nếu muốn không gặp điều đó nữa thì chớ gieo nhân về điều đó nữa.

Nhân quả đem đến ràng buộc nhưng nhân quả cũng đem đến giải thoát

Mười hai duyên sanh, từ vô minh cho đến lão tử là tiến trình nhân quả. Mười hai duyên sanh ấy là sợi dây xích mười hai khoen trói buộc chúng ta những đời sau nữa. Chúng ta cũng biết khi phá bỏ, chặt đứt được trọn vẹn một khoen thì toàn bộ sợi dây sẽ đứt. Vì trong một khoen đã chứa đựng hình thể và năng lực của những khoen trước và tác động trực tiếp đến những khoen sau.

Theo Phật giáo, mười hai duyên sanh hay mười hai khoen nhân quả ấy có thể chặt đứt bằng trí huệ soi chiếu thấy sự không có tự tánh của tất cả các pháp. Như thế chúng ta có thể siêu vượt giải thoát khỏi tiến trình nhân quả. Nhân quả là sự thật tương đối. Không nhân quả là sự thật tuyệt đối ‘vượt khỏi nhân quả’ là tiến trình giải thoát.

Lòng bi

Ai cũng có lòng bi tự nhiên. Có lẽ lòng bi là một đặc điểm phân biệt con người với những sinh vật khác. Chắc hẳn lòng bi càng lớn thì cuộc đời chúng ta càng phát triển, càng được nâng cao, càng có giá trị, bởi vì lòng bi là sự rộng lớn của tâm. Ai cũng có lòng bi, lòng thương cảm khi thấy người khác đang bị đè chìm dưới gánh nặng nghiệp quả của họ. Cũng chính nhân quả làm cho lòng bi thêm sâu sắc, hiệu quả.

Vì chúng ta không chỉ nhìn thấy hiện tượng đã trổ thành quả bên ngoài, mà chúng ta còn tìm hiểu để nhìn thấy và đoạn trừ, chuyển hóa những nhân đã tạo ra quả hiện tại của một người hay một tập thể. Chẳng hạn, thấy một người không có bữa ăn, chúng ta cho họ tiền, nhưng rồi y chỉ uống rượu, gây thêm những hậu quả tai hại thì sao? Sự giúp đỡ đích thực là cắt đứt, chuyển hóa nguyên nhân gây ra hậu quả này. Sự giúp đỡ đích thực phải dựa trên nhân quả.

Chúng ta thấy bốn chân lý cao cả dựa trên nhân quả. Có hiện tượng khổ, đâu là những nguyên nhân sâu hơn của khổ, hạnh phúc khi thoát khổ là thế nào, và những phương pháp đường lối để giải quyết được vấn nạn này. Thương xót không phải là thương xót lai rai, qua loa, cho đúng phép. Thương xót thật sự là thấy được khổ nơi người khác và chuyển hóa những nguyên nhân của khổ nơi người khác. Chúng ta thường hào hứng với những cuộc đổi đời, những cuộc cách mạng.

Nhưng cuộc cách mạng đích thực, sâu sắc và hiệu quả bền vững là thay đổi, chuyển hóa hệ thống nhân quả của một người hay một tập thể. Không có cuộc cách mạng nào thực sự hơn, lớn lao hơn và hiệu quả bền vững hơn sự sửa đổi hệ thống nhân quả của một người. Giúp đỡ đích thực là giúp đỡ người khác chuyển hóa hệ thống nhân quả đang vận hành của họ.

3. Hiểu rõ luật nhân quả để cuộc sống an bình

“Nhân Quả” là quy luật mà thiết nghĩ ai cũng nên hiểu rõ về nó vì quy luật này quyết định tiến trình luân hồi và giải thoát của chúng ta. Những gì mà chúng ta tạo ra trong vũ trụ này, chúng sẽ mãi mãi gắn liền với cuộc đời của chúng ta vì chúng ta là những sinh mệnh nằm bên trong vũ trụ đó. Điều chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai cuộc đời của mình. Thiện hay ác, tốt hay xấu đều do tự bản thân mỗi người lựa chọn. Điều đó làm nên chính mình trong tương lai.

Chìa khóa để có được nội tâm bình ổn chính là không bị lệ thuộc bởi những gì đang diễn ra xung quanh, hướng vào bên trong bản thân mình để luôn đạt được trạng thái yên bình trong tâm. Muốn trở thành một người tích cực và thiện lương, hãy giao lưu với những người tích cực và những con người thiện lương để cuộc sống luôn tràn ngập những điều tốt đẹp. Giống như các cụ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh cho đến khi ta học cách chấp nhận chúng. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời bạn là có lý do, đó là do nhân duyên, duyên nghiệp của bạn từ nhiều kiếp trước, dù bạn có tin hay không. Và nếu như bạn vẫn đang xem ai đó như một kẻ thù, thì điều đó có nghĩa là bạn không chấp nhận quy luật tạo hoá ở một mức độ cao hơn và đặc tính của vũ trụ (vốn luôn có đối lập giữa thiện ác – tốt xấu). Chấp nhận hoàn toàn tự nguyện là tốt nhất cho sự tồn tại của chúng ta. Khi ta học cách chấp nhận, và thay đổi chính bản thân để thích hợp với hoàn cảnh, thì hoàn cảnh cũng sẽ tự nhiên biến chuyển theo. Hãy hiểu rằng, có những thứ trong cuộc sống này, ta không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận chúng, và dù ta có mạnh mẽ và thông minh đến đâu, thì cũng sẽ không thể luôn bắt mọi thứ phải theo cách mà ta muốn.

Mỗi người trong chúng ta khi đến với thế giới này đều mang theo một sứ mệnh riêng, góp phần giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn và tìm về những bản tính tốt đẹp bên trong chính bản thân mình. Không cần thiết tập trung vào những người mà chúng ta gặp nhưng chưa biết rõ về họ, hoặc ám ảnh về nơi mà chúng ta đang sống và công nghệ mà ta đang sử dụng. Cuộc sống và thời gian này là tất cả những gì quý giá nhất chúng ta có.

Cuộc sống tựa như một tấm gương mà khi soi vào đó, bạn sẽ nhìn thấy bản thân mình được rõ hơn. Hãy luôn tu sửa chính mình để tốt hơn ngày hôm qua. Mỗi người có một cuộc sống hoàn toàn khác nhau, dựa trên cách sống và tâm thái của họ trong những vấn đề của cuộc sống mà cuộc đời của họ trở nên khác nhau. Vì vậy, đừng nên chỉ nhìn vào người khác, hãy luôn nhìn vào chính mình để sống hạnh phúc và ý nghĩa với sứ mệnh riêng của chính mình.

Bất kể việc gì mà chúng ta thực hiện mà chúng ta cho là vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn phải làm bởi vì mọi thứ trong thế giới này đều có liên hệ tương hỗ. Bước đầu tiên hay bước cuối cùng đều quan trọng như nhau vì chúng đều đi đến đích hoàn thành một điều gì đó có ý nghĩa trong đường đời của một con người.

Bạn không thể suy nghĩ hai vấn đề trong cùng một lúc. Nếu như bạn đang tìm kiếm điều gì đó quan trọng, thì đầu óc của chúng ta cũng không còn đủ chỗ cho sự giận dữ và tham lam. Vì vậy, hãy để tâm trí thanh tỉnh và bình an, loại bỏ những điều tiêu cực và những tâm không tốt của bản thân để chứa đựng trong tâm những điều tốt đẹp hơn.

Kiên trì và nỗ lực bao nhiêu thì sẽ nhận lại tương ứng. Đó chính là điều tất yếu. Niềm vui thực sự đến từ lao động chân chính, bền bỉ để rồi sau đó đạt được mục tiêu của mình. Người ta sẽ không đạt được điều gì thực sự nếu không nỗ lực và đặt tâm trí vào đó.

Chỉ khi chúng ta trở nên xứng đáng với điều gì đó, thì chúng ta có nó. Càng bỏ công sức bao nhiêu, chúng ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Và người nào càng cho đi nhiều sẽ nhận lại nhiều bởi chúng ta còn có các giới luật được cai quản bởi cái tôi cao hơn liên quan đến tính cách của con người mà bạn có thể áp dụng vào cuộc sống để nâng cao rung động và tâm thức của mình như:

“Từ bi, nhân đức, rộng lượng, khoan dung, tốt bụng, tha thứ, chân thật, trách nhiệm, tận tâm, can đảm, trung thực, khát vọng, niềm vui, niềm tin, kiên cường, kiên nhẫn, yêu thương bản thân, tình yêu vô điều kiện”.

Theo Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Tông xe vào bò và màn thoát chết kỳ lạ nhờ niệm Phật

Định Tuệ

Từ đâu tạo thành nghiệp? Từ đâu có báo ứng?

Định Tuệ

Chỉ một ý niệm cũng sẽ đưa tới quả báo lâu dài

Định Tuệ

Trong các ác nghiệp, chỉ có sát là nặng nề nhất

Định Tuệ

Lợi ích của bố thí: Câu chuyện Nhờ bố thí mà giải được tội

Định Tuệ

Quả báo bội tín vong nghĩa – Báo ứng hiện đời tập 3

Định Tuệ

Chuyện nhân quả: Thai nhi ưa nghe Kinh Địa Tạng – Báo Ứng Hiện Đời

Định Tuệ

Siêu độ cho người đã mất nên làm như thế nào?

Định Tuệ

Biến nguy thành an – Chuyện niệm Phật cảm ứng

Định Tuệ