Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Hệ lụy của lòng tham và không thực hành cách sống Thiểu dục tri túc

Hiểu đúng lời dạy của Đức Phật về Thiểu dục tri túc chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự bình an nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị ngũ dục tri phối trong mọi hoàn cảnh.

Thiểu dục tri túc – Cách sống hạnh phúc giữa đời thường

Ngồi lắng lòng lại để cảm nhận từng hơi thở trong ta, nghe những thanh âm của cuộc sống và nghĩ về cuộc đời của những người ngoài kia, phần nhiều họ khổ đau là do không đạt được những gì mình mong muốn. Mọi người phần nhiều thường đua chen, chạy theo vật chất, danh lợi không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn tham muốn đã đành, nhưng người dư giả, tiền bạc nhiều vô kể, thế mà vẫn còn tham muốn.

Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”. Trong kinh Di Giáo có nói: “Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý”. Nghĩa là: Người biết đủ, dù nằm trên đất cũng vẫn thấy an lạc; trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Vậy muốn có được một cuộc sống an vui, thanh thản, hạnh phúc chúng ta cần phải Thiểu dục và Tri túc.

Thiểu dục: Là ít muốn, Tri túc: Là biết đủ. “Thiểu dục Tri túc”, tức là ít ham muốn và biết đủ. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh, được Đức Phật chứng nghiệm sau thời gian sáu năm khổ hạnh rừng già, bốn mươi chín ngày đêm thiền định, Ngài thấy được con đường trung đạo là từ bỏ hai trạng thái khổ hạnh thái quá và sung sướng thái quá. Hai cực đoan này không đem lại lợi ích. Vì vậy, Đức Phật không khuyên hàng đệ tử của mình phải tu khổ hạnh, ép xác hay sống một cách sung sướng, trụy lạc. Con đường đó không đưa đến sự giác ngộ.

Một lần, Đức Phật hỏi Tỳ kheo Sona đã từng chơi đàn trước khi ông xuất gia:

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy quá chùng, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá chùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa được, bạch Thế Tôn.

Như vậy, Thiểu dục Tri túc trước hết không phải là một chủ trương mang tính khổ hạnh, ép xác như một số người lầm tưởng. Thiểu dục là đối với những cái chưa có, vì nhu cầu bản thân, vì lợi ích cho mình và nhiều người mà mong cho có, thì chúng ta nên thọ dụng. Không vì tham vọng nung nấu trong lòng mà mong cầu cho nhiều. Tâm càng mong cầu càng thấy mình thiếu thốn, không thiếu món này thì thiếu món kia, cảm thấy khổ sở, khó chịu. Chớ lầm tưởng rằng một khi lòng tham muốn được thỏa mãn là hết tham muốn.

Ngạn ngữ có câu: “Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy”, để chỉ ra rằng lòng tham con người là vô hạn, lòng ham muốn không chỉ gây hại cho con người về vật chất và tinh thần, có khi nó còn làm cho con người đánh mất cả nhân cách và lòng tự trọng của chính mình.

Đức Phật dạy “Thiểu dục” và “Tri túc” là cốt yếu ngăn ngừa con đường sai lầm, chặn đứng lòng tham lam, độc ác không bờ bến của chúng sinh đang sống trong cõi đời vật dục, chứ không phải chủ trương ngăn chặn sự tiến triển của con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân. Nhận thấy tai hại lớn lao của bệnh tham lam nên Đức Phật đưa ra phương thuốc rất công hiệu là “muốn ít” và “biết đủ” để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Phương thuốc này sẽ làm yếu dần tâm tham lam, nên các mối dục vọng, tội ác dần dần tiêu diệt, chỉ còn lại tấm lòng từ bi rộng rãi bao la mà thôi.

Hệ lụy của lòng tham và không thực hành cách sống Thiểu dục tri túc

Thực tế cho thấy, xã hội càng hiện đại, vật chất càng phát triển thì nạn trộm cướp cũng phát triển. Vì họ chạy theo những nhu cầu bên ngoài mà bất chấp tất cả để có được tài sản từ người khác. Giết người, lừa gạt ngày càng tinh vi hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân, gây nên sự lo lắng cho nhiều người.

Ngoài ra, sự tham đắm địa vị đã làm cho lòng người mất đi lòng tin ở nhau, đạo đức suy đồi bởi sự hãm hại, đố kỵ, mưu tính đáng sợ. Là một người sống chân chính, biết kiểm soát nhu cầu và an vui với những gì mình có sẽ không bao giờ gây ra những điều tiêu cực như trên.

Chiến tranh, thiên tai cũng do lòng tham của con người gây nên. Từ bao đời nay, nguyên nhân chiến tranh xuất phát từ quyền lợi, đất đai, vị thế của những người cầm quyền một đất nước.

Khi lòng tham nổi lên thì mãi không có tiếng nói chung và sự thỏa hiệp, nhường nhịn nhau. Khi con người luôn muốn thỏa mãn được những nhu cầu tự đặt ra của bản thân thì vô tư khai thác tài nguyên môi trường đến cạn kiệt và phải nhận hậu quả như ngày ngay.

Nếu chúng ta không kiểm soát được ham muốn của mình, không có điểm dừng thì sẽ tự gây hại cho bản thân và xã hội. Phật dạy: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa”. Có nghĩa là: người mong muốn nhiều, cầu lợi nhiều thì khổ não cũng nhiều.”

Từ những lẽ trên, chúng ta có lẽ đã nhìn nhận được tầm quan trọng của lời Phật dạy về cách sống “Thiểu dục tri túc”. Ngày nay, cách sống ấy vô cùng cần thiết khi mà tốc độ phát triển của xã hội nhanh chóng đi lên, vật chất đáp ứng đầy đủ nhưng phiền não chưa bao giờ được giải quyết triệt để.

Hiểu đúng lời dạy của Đức Phật về Thiểu dục tri túc chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự bình an nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị ngũ dục tri phối trong mọi hoàn cảnh.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Tu hành chỉ là cực khổ nhất thời, mà được an vui vĩnh viễn

Định Tuệ

Mỗi vết thương là một sự trưởng thành

Định Tuệ

Phương pháp giúp gia đạo hưng thịnh của người xưa

Định Tuệ

Thai nhi nhắc tụng Kinh Địa Tạng để siêu thoát

Định Tuệ

Đời sống đơn giản nhất là khỏe mạnh nhất – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Tích đức lớn lao nhờ ngày đêm niệm Phật

Định Tuệ

Phát tâm ăn chay vì cảm thông với loài vật

Định Tuệ

Muốn có vận mệnh tốt, hãy sửa lại cách nói chuyện của mình

Định Tuệ

Tâm địa thanh tịnh, phiền não sẽ không thành

Định Tuệ