Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Đọc tụng Kinh Địa Tạng cho thai nhi và người mẹ khi mang thai

Khi nào thì nên đọc tụng kinh Địa Tạng cho bà bầu và thai nhi? Khi biết có thai liền nên đọc, mỗi ngày đọc tụng một bộ kinh Địa Tạng cho mẹ và em bé, hoặc niệm nghìn câu danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng.

1. Ý nghĩa Kinh Địa tạng Bồ tát bổn nguyện

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

Đọc thêm: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ cho bạn đọc tụng

2. Nhân duyên mẫu tử và ý nghĩa kinh Địa Tạng cho bà bầu và thai nhi

Duyên tiền kiếp và tình mẫu tử

Ngày con đến với đời, có lẽ, cũng là ngày đặc biệt nhất đối với cha mẹ. Ngày con đến với đời, có lẽ, mọi thứ từ hiện tại tới tương lai, cha mẹ đều dành tất cả cho con. Ba chữ “ tình mẫu tử” nhưng dường như nó bao la đến không biên giới.

Từ các niềm tin, tín ngưỡng, từ loài người đến loài vật, từ cõi nhân sinh tới cõi vĩnh hằng, tình mẫu tử luôn tồn tại bất diệt.

Với mỗi Phật tử, ngay từ khi mang thai, người mẹ luôn tìm đến việc tụng kinh niệm Phật. Với mong muốn cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Vậy nên tụng kinh gì khi mang thai?

Kinh Địa Tạng cho mẹ và bé

Người mẹ khi mang thai nên đọc tụng mỗi ngày kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát tốt cho mẹ và bé hoặc niệm ngàn câu danh hiệu Địa tạng Vương Bồ Tát. Với việc đọc kinh cầu bình an cho thai nhi, lễ lạy chân thành, tha thiết như thế sẽ đem đến một hiệu quả bất khả tư nghì.

Đọc tụng kinh Địa Tạng cầu con mang ý nghĩa gì?

Theo quan điểm Phật giáo, mọi mối quan hệ của con người chia thành 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cha mẹ, anh em, con cái trong một gia đình cũng không nằm ngoài những nhân duyên phức tạp đó.

Thế nên, khi đứa trẻ đầu thai vào một gia đình nào đó, nếu nó là oan gia trái chủ của bạn, lớn lên sẽ là đứa con ngỗ nghịch, phá tán nhưng người mẹ khi còn đang mang thai thường xuyên đọc tụng kinh Địa Tạng dành cho thai nhi thì oán kết này sẽ được hoá giải.

Ngược lại, nếu đứa trẻ trong bụng người mẹ đến để báo ân thì mối nhân duyên tốt đẹp giữa đứa bé và cha mẹ chúng sẽ ngày càng sâu dày.

Khi nào thì nên tụng kinh Địa Tạng cho bà bầu và thai nhi?

Phật giáo hướng dẫn chúng ta phương pháp, trong vòng bảy ngày, sớm đọc tụng bộ kinh bất khả tư nghì này. Tốt nhất là đọc sớm. Khi biết có thai liền nên đọc, mỗi ngày đọc tụng một bộ kinh Địa Tạng cho mẹ và em bé, hoặc niệm nghìn câu danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng.

Cần phải dùng tâm chân thành cung kính để tụng niệm thì phước báu sẽ vô cùng to lớn. Lời khuyên hữu là người mẹ đọc bộ kinh Địa Tạng dành cho bà bầu trong thời gian mang thai.

Nếu người mẹ chí thành, chí tâm tụng niệm quyển kinh này ngay từ khi mang thai hoặc chậm nhất là trong vòng 7 ngày trước khi sanh thì đứa bé mới chào đời, dù trai hay gái, nếu có ác báo đều có thể được giải trừ.

Những điều Phật dạy trong Kinh Địa Tạng nghĩa lý rất thâm sâu và vi diệu, đọc qua một hai lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Đức Phật dạy.

Trước khi tụng Kinh Địa Tạng, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe.

Điều quan trọng khi tụng Kinh Địa Tạng là phải thể nhập được những ý nghĩa trong Kinh và ứng dụng, thực hành trong đời sống. Khi tụng Kinh Địa Tạng mà không phá trừ được kiêu mạn, không thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.

Đối với người làm mẹ, cần tâm bình khí hòa, chân thành, cung kính, thanh tịnh, bình đẳng, vì khởi tâm động niệm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này, nếu nói theo lý luận khoa học hiện đại thì càng dễ hiểu hơn. Đây thuộc về hiện tượng vận động của sóng.

Quý Phật tử nên thỉnh cho gia đình hình ảnh, tượng Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát. Việc thờ tự tượng Địa Tang Bồ Tát công với tụng kinh Địa Tạng cầu bình an cho thai nhi và gia đình sẽ mang lại công đức rât lớn.

3. Thai nhi nghe kinh Địa Tạng, hóa giải được oán hờn

Chàng trai Mạnh Vĩ và cô gái Chung Hồng là đôi tình nhân có đồng tín ngưỡng Phật. Sau khi kết hôn, cả hai đồng tâm đồng chí, cùng tụng kinh, trì giới tu hành, là gia đình Phật hóa gương mẫu, họ sống rất hạnh phúc, khiến các bạn đồng tu phải hâm mộ, ước ao.

Bạn gái Chung Hồng là Lan, xấp xỉ tuổi nàng, đã kết hôn trước. Trong thời kỳ mang thai, cũng nhờ Lan chí thành tụng kinh Địa Tạng, kinh Phổ Môn, khuyên ngăn gia đình không nên sát sinh giết vật cho nàng tẩm bổ, nhờ vậy mà vợ chồng Lan cứ nối tiếp sinh ra những đứa con cưng xinh đẹp đáng yêu. (Những đứa bé nhờ ba mẹ tụng kinh mà sinh ra thường có chung một đặc điểm là rất thông minh, xinh xắn; linh hoạt; hay cười và ít khóc, chẳng làm rộn ba mẹ).

Đến khi Chung Hồng mang thai, vì thương con, hai vợ chồng bắt đầu tụng kinh Địa Tạng, hy vọng sẽ sinh ra một đức bé thiện căn sâu dày, xinh đẹp ưng ý.

Trong thời kỳ có mang, cái thai trong bụng Chung Hồng thường phản ứng mạnh bạo, bé hành mẹ rất dữ, khiến nàng hay buồn nôn, bực bội, bị sưng phù, xương thần kinh tọa bị đau… ăn không ngon, đêm chẳng ngủ an. Tóm lại, nàng nếm mùi đau khổ nhiều hơn những thai phụ khác.

Chỉ có điều khiến cả nhà thấy an ủi là, buổi tối trước khi lâm bồn, sau khi khám thai lần chót, thấy tim thai, tất cả đều bình thường. Bác sĩ dự tính ngày sinh đúng vào ngày mồng một tết, đây là ngày khiến toàn gia càng hoan hỷ.

Đêm giao thừa, nhà nào nhà nấy vui vẻ đoàn tụ, tiếng pháo nổ giòn tan, đứa bé trong bụng Chung Hồng cũng khoa chân múa tay, đánh đấm lung tung. Mẹ chồng Chung Hồng nói:

– Đứa bé này coi bộ rất nôn nóng muốn ra chơi pháo đây mà!

Câu nói đùa của bà khiến ai nấy cười xòa.

Nhưng thế sự vô thường, tới ngày sinh, mới biết đứa bé do bị cuống rốn quấn quanh cổ mà chết. Chết ngay trong đêm giao thừa, chết sau lần cử động mạnh cuối cùng. Trong khi tất cả mọi người đều hân hoan nô nức, ngóng trông, chờ đợi bé ra đời.

Tin dữ này đúng là sấm nổ giữa trời quang. Không những khiến vợ chồng Chung Hồng bất ngờ và đau khổ tột độ mà cũng khiến tôi hết sức kinh ngạc và thắc mắc, không sao hiểu nổi.

Sáng hôm đó, khi Chung Hồng nhập viện chờ sinh và nhận được hung tin thai đã chết đêm qua, tôi cũng “sốc” đến quên bén luôn đó là mồng một năm mới.

Khi nhìn cảnh một người cha trẻ tuổi đứng chờ trước phòng sinh, nhưng chàng biết mình vĩnh viễn không nghe được tiếng khóc chào đời của con thơ. Một người mẹ trẻ đợi lâm bồn, nhưng cô biết rõ mình tuyệt không còn có thể sờ vào thân thể còn sức sống của con nữa. Lúc đó, quả thật tôi nghĩ không ra lời lẽ nào trong nhân gian để mà an ủi họ.

Trước tình cảnh này, tôi nghĩ gì cũng không thông, tại sao trời cứ khăng khăng bắt hai vị Phật tử chí thành phải mang lấy họa lớn mất con? Điều này không những khiến cha mẹ hai bên mất đi lòng tin Phật, thân quyến họ còn hung hăng, một bề chỉ trích Mạnh Vĩ và Chung Hồng quá mê Phật giáo, có khả năng hai vợ chồng họ sẽ thối thất đạo tâm.

Do vậy, dù đang ở trước sản phòng, tôi vẫn gọi điện kể cho Hòa thượng Diệu Pháp nghe hết mọi sự.

Thật là ngoài sức tưởng tượng, Sư phụ nghe xong không nói nửa câu thương tiếc hay chia buồn, mà lại nói “Lành thay, lành thay!”

Ngài còn sai tôi đi tìm Mạnh Vĩ hỏi ngay là có phải hồi xưa ông nội anh hành nghề đồ tể và đã giết rất nhiều heo?

Sư phụ còn giải thích cho tôi nghe:

– Thai nhi lần này chính thực là oan gia, oán cừu – quyết lòng tới đòi nợ họ – Vì vậy mà kể từ lúc thần thức vừa nhập thai, ngày nào nó cũng hành hạ sản phụ, khiến cả nhà không được phút giây an ổn. Thế nhưng, hai vợ chồng Mạnh Vĩ, Chung Hồng thành tâm sám hối niệm Phật, tụng kinh… nên thai nhi dần dần tiếp thọ Phật pháp. Huống nữa, cha mẹ vì thai nhi mà tụng kinh Địa Tạng. Mà kinh này: “Chuyên giúp tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên”. Nhờ vậy mà trong suốt gần mười tháng nghe kinh, thai nhi đã thực sự được lợi ích. Do nghiệp chướng tiêu trừ và lòng nó cũng tiêu luôn niềm oán thù sân hận đối với ông nội Mạnh Vĩ, tiêu tan hẳn ý niệm muốn tìm con cháu hiện tại của ông mà báo thù. Hiện tại vong hồn thai nhi đã siêu thăng lên thiên giới tu hành rồi, nó chẳng còn quay lại thế gian để tìm kẻ thù báo oán làm chi nữa.

Tôi hỏi:

– Thế thì vì sao thai nhi đến lúc sắp sinh mới chết?

– Có hai lý do, một: Mẹ con duyên phận chưa tận. Hai: thai nhi ưa nghe kinh thính pháp. Vì vậy mà nó một mực kiên trì đến phút cuối mới chịu lìa xa. Nói ngược lại, nếu như vợ chồng họ không tin Phật, chẳng chí thánh niệm Phật tụng kinh, thì đứa bé này nhất định sẽ chẳng thể chết đi, nó sẽ sinh ra thuận lợi, nhưng mà toàn gia bọn họ, sẽ tùy theo tuổi tác trưởng thành của đứa bé, mà phiền não ngày càng tăng. Cuối cùng dòng họ Mạnh sẽ lâm vào cảnh “Gia phá nhân vong”, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn trong tay đứa bé này. Bởi vậy, khi thai nhi chết, ai nhìn vào cũng tưởng bất hạnh, toàn gia ôm khổ đau thống thiết, nhưng thực sự các vị đang được hưởng phúc, tiêu tai họa đấy. Đây chính là điều đáng chúc mừng!

Tôi nghe Sư phụ giảng giải xong, tinh thần phấn chấn hẳn lên, mây đen nghi ngờ tiêu tan. Tôi lập tức đến chỗ Mạnh Vĩ đang chìm đắm trong niềm bi thống, xác minh ngay mọi điều Sư phụ vừa kêu tôi hỏi, té ra tất cả đều đúng y như vậy.

Mạnh Vĩ nhìn nhận ông nội chàng thuở sinh tiền chuyên sống bằng nghề đồ tể giết heo. Trước lúc chết ông còn phát bệnh rất kỳ quái. Không những ra lịnh, kêu người phải treo ông lên, không ngừng dùng chùy đánh vào ông, ông nói có làm vậy thì ông mới thấy thoải mái. Ông chết rất thống khổ, không những ọc máu tươi mà ánh mắt cực kỳ hung dữ. Xưa nay Mạnh Vĩ không bao giờ nhắc đến việc tổ phụ lâm chung thê thảm cho người ngoài nghe.

Rồi Mạnh Vĩ kể chuyện về ông Hùng, một người bạn của ông nội chàng làm nghề đồ tể mổ bò, mỗi ngày giết mấy con. Ông Hùng nhờ nghề này mà giàu có. Một hôm ông Hùng đi chơi về, vừa vào nhà nằm nghỉ bỗng than tức ngực, khó thở. Lát sau vợ ông vào thăm, thấy ông nằm bất động trên giường lau không tỉnh, gọi không đáp. Bèn mời bác sĩ đến.

Khi bác sĩ đến thì thấy ông Hùng rống lên đau đớn âm thanh giống như tiếng bò bị đập đầu, tiếp theo toàn thân co giật ghê rợn, rồi hộc máu chết. Ông chết cả buổi rồi, máu tươi vẫn còn ứa ra từ miệng. Nhìn cảnh đó, ai cũng kinh hãi. Con cháu ông Hùng nghe lời phụ thân chàng khuyên, bèn dẹp lò mổ, không theo nghề sát sinh nữa.

Mạnh Vĩ kể, chành đã chứng kiến nhiều cảnh chết chóc của những người làm nghề giết mổ gia súc và thấy rằng, đa số bọn họ dù chết trẻ hay chết già, đều chết rất thê thảm và trước khi chết miệng luôn ọc máu tươi.

Đây cũng là nguyên nhân khiến chàng nhất tâm học Phật. Tất cả chú, bác và các cô của Mạnh Vĩ đều bị bệnh tật triền miên, cha chàng bị đau xương sống, xương sụn đều nhức nhối, bác chàng thì bị bán thân bất toại, nằm liệt trên giường mười năm nay. Đến đời Mạnh Vĩ, anh của chàng chưa đầy bốn mươi thì bị bệnh thần kinh, suốt ngày luôn nghi ngờ người ta nói xấu sau lưng. Anh không thể làm việc được, còn Mạnh Vĩ và chị gái lúc nào cũng bị đau cột sống, chị chàng còn phải mổ nhưng trị không lành được.

Hòa thượng Diệu Pháp còn nói, nếu như chẳng phải nhờ Mạnh Vĩ chuyên ăn chay, học Phật tu tập, thì chàng cũng khó thể kết hôn. Bởi do gia đình nghiệp sát quá sâu nặng, số phần đã định con cháu phải bệnh hoạn lụn bại.

Bài pháp ngữ Hòa thượng Diệu Pháp vừa ban bố, giống như trận mưa xuất hiện kịp thời, rưới tắt ngúm ngọn lửa tà đang thiêu đốt, nung nấu tâm can mọi người. Giải trừ hết mọi nghi hoặc đang có trong lòng họ. Nhất là vợ chồng Mạnh Vĩ – Chung Hồng, họ đã chuyện buồn thành vui, hai vợ chồng bây giờ học Phật, tập tu càng thêm dũng mãnh tinh tiến. Tôi tin họ chí thành như thế, Chư Phật Bồ-tát cũng sẽ gia trì cho họ sớm sinh quý tử.

Trích: Báo ứng hiện đời tập 1: Cư sĩ Quả Khanh – Hạnh Đoan dịch

Bài viết cùng chuyên mục

Vì sao ngài Địa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn thị hiện ở quả vị Bồ Tát?

Định Tuệ

Vì lợi ích tất cả chúng sinh mà tu pháp lành

Định Tuệ

Giải đáp mười điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 2

Định Tuệ

Lạy Phật là vận động tốt nhất, hơn cả khí công và thái cực quyền

Định Tuệ

Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc không chỉ là thượng thiện

Định Tuệ

Vì sao niệm A Di Đà Phật mà không niệm Thích Ca Mâu Ni Phật?

Định Tuệ

Phàm phu phát Đại Tâm, tương lai bạn vãng Sanh đến Cực Lạc

Định Tuệ

Giới Định Tuệ là gì? Học Phật cần phải tu Giới Định Huệ

Định Tuệ

Làm thế nào để giúp người chết siêu thoát, không bị đọa địa ngục?

Định Tuệ

Viết Bình Luận