Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Đạo Phật không có quan niệm về vấn đề kỵ tuổi trong hôn nhân

Đạo Phật không có quan niệm về kỵ tuổi. Không có tuổi nào tốt hay xấu cả, chỉ có nghiệp do mỗi người tạo ra thiện hoặc ác rồi trở lại chi phối khiến họ gặt hái quả tốt hay xấu mà thôi.

Về vấn đề kỵ tuổi trong hôn nhân, Phật giáo không bao giờ chủ trương người Phật tử tin vào những điều gì khác, có tính cách tà tín, nhất là vấn đề bói toán, xem tuổi tác và ngày giờ tốt xấu để phán xét, đoán định vận mạng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai.

Đạo Phật không có quan niệm về kỵ tuổi. Không có tuổi nào tốt hay xấu cả, chỉ có nghiệp do mỗi người tạo ra thiện hoặc ác rồi trở lại chi phối khiến họ gặt hái quả tốt hay xấu mà thôi. Tứ hành xung hay tam hạp… nói chung, là quan niệm lịch số của người Trung Hoa có từ xa xưa, ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức của hầu hết người Việt.

Nếu bạn là người Phật tử tin Phật sâu sắc, có chánh kiến, thì hãy gạt chuyện tuổi tác xung khắc ra khỏi quan niệm sống của mình. Bạn cần thiết lập niềm tin tuyệt đối vào nhân quả – nghiệp báo của chính bản thân mình. Tất cả những biến động thuận nghịch trong đời sống của bạn chính là biểu hiện cụ thể của nhân quả – nghiệp báo do bạn đã tạo dựng trước đây. Muốn chuyển hóa nghiệp nhân để có nghiệp quả tốt đẹp thì hãy sống lành mạnh, đạo đức với tự thân và mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề chênh lệch tuổi tác hay kỵ tuổi thì không có gì đáng để lo ngại cho hôn nhân. Muốn xây dựng một đời sống hôn nhân tốt đẹp điều cần thiết phải có tình yêu, sự thấu hiểu, tôn trọng mới có thể gắn bó và sẻ chia để cùng nhau đi đến hết chặng đường đời. Nếu hai người đều biết chuyển hóa ba nghiệp xấu ác của thân miệng ý trở thành hiền thiện thì chắc chắn họ sẽ thiết lập nên hạnh phúc trong quá trình chung sống, dù cho bất cứ tuổi tác nào.

Phật giáo chủ trương và luôn khuyến khích người Phật tử tin sâu lý nhân quả nghiệp báo, với mục đích là để chúng ta tìm ra nguyên nhân hình thành ác nghiệp, để từ đó tìm mọi phương cách khắc phục, hoán cải, những nhân xấu để trở thành nhân tốt. Đồng thời, cũng chuyển hóa những ác nghiệp trở thành thiện nghiệp. Có thế, thì mới cải thiện được đời sống của chúng ta ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn.

Theo Phật giáo, chuyện xảy ra “cơm không lành canh không ngọt” mất hòa khí trong gia đình đó không phải do tuổi tác không hợp nhau mà là do tập khí chủng nghiệp của mỗi người huân tập ở những môi trường sống khác nhau, mà người ta thường nói là tánh tình không hợp.

Khi nói tánh tình không hợp, ta phải xét tìm nguyên nhân lý do tại sao? Nếu bảo rằng, do tuổi tác, thì lẽ ra từ đầu chí cuối phải là xung khắc luôn luôn, chớ tại sao khi hợp khi khắc? Khi vui thì hợp, khi buồn thì khắc. Khi vừa ý thì hợp, khi trái ý thì khắc. Như vậy, sự xung khắc bất hòa nầy do đâu? Tại sao mỗi người không chịu tìm hiểu lại chính mình mà đổ thừa cho tuổi tác?

Phật giáo, với cái nhìn của tuệ giác, không thể chấp nhận cho việc tránh né đổ thừa này. Thử hỏi trên đời có ai làm vừa ý mình hết không? Chính mình có đôi khi còn không vừa ý với chính mình, thì có ai mà làm vừa ý mình.

Như vậy, rõ ràng không phải do tuổi tác xung khắc mà là do nhiều yếu tố khác. Yếu tố nào gây ra sự bất hòa? Đó là điều mà người Phật tử cần phải truy nguyên tận nguồn gốc của sự bất hòa đó. Trên đời nầy, không có gì là không có nguyên nhân. Thường chúng ta hay mắc phải chứng bệnh chủ quan. Mà bệnh chủ quan là con đẻ của bệnh chấp ngã. Vì chấp ngã, nên cái gì mình cũng đúng hết. Mọi lỗi lầm đều do người kia gây ra, mà chúng ta không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề của chính mình.

Đạo Phật không có quan niệm về vấn đề kỵ tuổi trong hôn nhân

Chuẩn bị đời sống hôn nhân theo lời Phật dạy

Người Phật tử chân chính trước khi tiến đến hôn nhân, trước tiên phải ổn định nghề nghiệp và có khả năng tự lập không ỷ lại vào cha mẹ hai bên, nhằm đảm bảo đời sống về sau không gặp khó khăn và trở ngại.

Người Phật tử chân chính nên có thời gian chín chắn tìm hiểu nhau về lý tưởng sống, tôn giáo, đạo đức, trước khi đính hôn, để đời sống hôn nhân được xây dựng trên tinh thần thương yêu có hiểu biết và trách nhiệm.

Để người bạn đời phù hợp tính tình và cùng chung lý tưởng hạnh nguyện với mình, người Phật tử nên chọn người tu theo đạo Phật. Nếu người bạn sắp cưới theo tôn giáo hay tín ngưỡng khác thì nên thuyết phục người ấy quay trở về với đạo của mình, nếu không thì đạo ai nấy giữ và cùng tôn trọng lẫn nhau.

Trước ngày lễ cưới, người Phật tử chân chính nên đến chùa hay thiền viện, thưa thỉnh thầy bổn sư về việc tổ chức lễ cưới tại nhà chùa và thân mời chư huynh đệ pháp lữ gần xa, cùng gia đình người thân hai họ tham dự.

Trong ngày lễ cưới, hai đàng trai gái nên đến chùa hay thiền viện làm lễ hằng thuận trước sự chứng minh của chư Tăng ni nhằm để nghe lời chỉ dạy quý báu về cách giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, hiếu dưỡng cha mẹ hai bên và trách nhiệm giáo dục con cái.

Xây dựng hạnh phúc hôn nhân

Hôn nhân là một sự hợp nhất được công nhận về mặt văn hóa, tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa vợ chồng, con cái và gia đình nội ngoại hai bên. Theo Đức Phật, hôn nhân chính là nhân duyên gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc.

Cuộc sống hôn nhân không hề dễ dàng vì sẽ có bất đồng, cãi cọ, xích mích, chán chường, và Đức Phật xem hôn nhân không chỉ là nhân duyên để kết nối thương yêu mà còn là cơ hội để mỗi người hoàn thiện chính mình. Thành ra việc xây dựng hạnh phúc phải phụ thuộc vào cả hai phía, chồng và vợ. Đức Phật đã dạy trong kinh Thiện sanh về bổn phận của người chồng và người vợ, nếu thực hành trọn vẹn thì hạnh phúc hôn nhân sẽ viên mãn.

Bổn phận người chồng có 5 điều: 1- Lấy lễ đối đãi với vợ, 2- Chuẩn mực nhưng không hà khắc, 3- Giữ lòng chung thủy, 4- Từ bỏ tính gia trưởng, 5- Tôn trọng sự ưa thích cái đẹp của vợ. Ngược lại, người vợ phải có 5 bổn phận đối với chồng: 1- Biết cách tổ chức công việc gia đình, 2- Biết cách giải quyết mối quan hệ gia đình, 3- Chung thủy, 4- Biết cách quản lý chi tiêu, 5- Khéo léo và có năng lực, có thể làm bạn với chồng. Trong 5 bổn phận nêu trên của vợ và chồng, sự chung thủy là quan trọng hàng đầu. Vì sự chung thủy là hạt nhân chính để mang lại hạnh phúc lứa đôi bền vững.

Khi trong gia đình vợ chồng có sự bất hòa thì cần phải có giải pháp hóa giải. Kinh nghiệm dân gian là cơm sôi thì bớt lửa. Một khi vợ và chồng lục đục thì một trong hai người cần phải tỉnh táo, đừng đổ thêm dầu vào lửa. Hãy ngồi xuống, bình tĩnh để trao đổi và tìm cách giải quyết. Vợ chồng cần thương yêu và thấu hiểu, cần phải có sự truyền thông với nhau. Hãy nói cho nhau nghe về tâm sự của mình, đừng giấu kín trong lòng mà vết thương càng ngày càng hằn sâu. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và hóa giải là chiếc chìa khóa đưa đến xây dựng hạnh phúc lứa đôi bền vững nhất.

Bí quyết để hôn nhân hạnh phúc đó là mối quan hệ hai chiều, đòi hỏi hai người phải tôn trọng lẫn nhau. Phật giáo không ngăn cấm chuyện ly hôn nhưng luôn dạy con người chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Sự đổ vỡ là điều không đáng có, bởi đây là một vết hằn xấu trong tâm thức. Vết hằn này sẽ gây dư chấn, nó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống con người. Thành ra việc tìm hiểu kỹ đối với người bạn đời, biết yêu thương và tha thứ để khắc phục lỗi lầm, biết làm tròn bổn phận của mỗi người là những điều rất cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Để ý đến chuyện của người khác là điều không nên làm

Định Tuệ

Thời gian rất quý báu, chớ nên để thời gian trôi qua lãng phí

Định Tuệ

Phước phải do chính mình tạo nên chứ không thể cầu mà có

Định Tuệ

Tâm kiêu mạn là gì? Làm thế nào để dẹp tan lòng kiêu mạn?

Định Tuệ

Ngày sinh nhật người Phật tử nên làm gì?

Định Tuệ

Kẻ hại mình chính là lòng tham vô đáy

Định Tuệ

Những điều quan trọng mà Phật tử tại gia cần biết

Định Tuệ

Vô thường là gì? Hiểu cho đúng ý nghĩa của vô thường trong cuộc sống

Định Tuệ

Muốn về Tây phương Cực Lạc, hãy nhìn mọi người đều là Bồ Tát

Định Tuệ

Viết Bình Luận